UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành danh mục 10 dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng số vốn lên đến 44,5 triệu USD.
Du khách tham gia tát mương bắt cá tại KDL sinh thái Phú Hữu (H.Châu Thành, Hậu Giang) - Ảnh: Quang Minh Nhật |
10 dự án cụ thể
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết 10 dự án (DA) tỉnh mời gọi doanh nghiệp trong ngoài nước tham gia đầu tư với hình thức “100% vốn của nhà đầu tư”; gồm: DA Khu du lịch (KDL) sinh thái Lung Ngọc Hoàng (dự kiến quy mô 50 ha, tại H.Phụng Hiệp, khái toán tổng mức đầu tư 15 triệu USD); DA KDL sinh thái Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân (1.450 ha, H.Phụng Hiệp, 10 triệu USD); DA KDL sinh thái Rừng Tràm Vị Thủy (134 ha, H.Vị Thủy, 6 triệu USD); DA KDL Hồ Tam Giác (7 ha, TP.Vị Thanh, 0,5 triệu USD); DA Du lịch cộng đồng vùng quýt đường Long Trị (104 ha, H.Long Mỹ, 0,5 triệu USD); DA Du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc (100 ha, TP.Vị Thanh, 0,5 triệu USD); DA Chợ nổi Ngã Bảy (20 ha, TX.Ngã Bảy, 2,5 triệu USD); DA KDL sinh thái Ngã Sáu - Phú Hữu (20ha, H.Châu Thành, 5 triệu USD); DA KDL sinh thái Kênh Lầu (15,4 ha, TP.Vị Thanh, 4 triệu USD); DA KDL căn cứ thị xã ủy Vị Thanh rộng 18,7 ha tại TP.Vị Thanh vốn đầu tư 0,5 triệu USD.
Cũng theo ông Thanh, UBND tỉnh Hậu Giang đã giao Sở KH-ĐT cập nhật, bổ sung 10 DA nêu trên vào cẩm nang Hậu Giang tiềm năng đầu tư và phát triển, đồng thời hướng dẫn Sở VH-TT-DL thực hiện nhiều ấn phẩm xúc tiến kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch...
Tiềm năng và chính sách đầu tư
Chia tách từ tỉnh Cần Thơ từ đầu năm 2004, tỉnh mới Hậu Giang thuộc danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư.
Vùng đất này có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch. Những khu rừng sinh thái bạt ngàn, khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã mang đậm nét đặc thù vùng sông nước Nam bộ có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách trong ngoài nước.
Bên cạnh Chợ nổi Ngã Bảy nổi tiếng khắp đó đây, Hậu Giang còn có nhiều di tích lịch sử mang ý nghĩa của vùng và cả nước như: Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Bác Hồ, di tích chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch, di tích khu Trù Mật (Vị Thanh - Hỏa Lựu), di tích chiến thắng Tầm Vu…
Theo Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Liên Khoa, Hậu Giang đang nằm trong thời kỳ “dân số vàng” có cơ cấu lao động trẻ. Lực lượng lao động dồi dào này sẽ đóng góp không nhỏ cho các dự án và sự phát triển kinh tế nhanh, mạnh của tỉnh trong thời gian tới.
Hậu Giang cũng đang đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong việc giải quyết những thủ tục liên quan đến các dự án đầu tư nói chung và dự án du lịch nói riêng.
Về chính sách dành cho nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho hay trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của T.Ư, tỉnh đã cụ thể hóa nhiều chính sách ưu đãi doanh nghiệp.
Cụ thể, tỉnh sẽ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ (chi phí quảng cáo, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nghề, điện nước, nhà ở cho công nhân) giúp doanh nghiệp sớm đưa dự án đi vào hoạt động...
Để nhanh chóng bàn giao mặt bằng dự án cho nhà đầu tư, Hậu Giang thực hiện cơ chế nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất để cơ quan chức năng trong tỉnh bồi thường giải phóng mặt bằng và các khoản hỗ trợ cho người dân tại từng dự án cụ thể. Chính sách này vừa có lợi cho người dân bị thu hồi đất, vừa có lợi cho nhà đầu tư là được trừ dần vào tiền thuê đất hằng năm.
“Trong quá trình giải phóng mặt bằng dự án, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm giải quyết những lợi ích hợp lý cho từng hộ dân. Công tác tái định cư tập trung lẫn phân tán được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Song song đó những vướng mắc của nhà đầu tư cũng được lắng nghe, chia sẻ kịp thời. Những gì thuộc quyền hạn, trách nhiệm của mình, lãnh đạo tỉnh sẽ nhanh chóng giải quyết, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp làm dự án”, ông Chánh thông tin thêm.
Quang Minh Nhật / báo Thanh Niên