Với sự hỗ trợ, tạo thuận lợi tích cực từ các sở ngành địa phương, trong 10 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của Hậu Giang đã tăng trên 11% so với cùng kỳ và kim ngạch xuất khẩu đã đạt 108,01% kế hoạch năm.
Xuất khẩu của Hậu Giang đã vượt kế hoạch đề ra. Ảnh minh họa |
Theo thống kê từ Sở Công Thương Hậu Giang, trong tháng 10/2017, giá trị sản xuất công nghiệp của Hậu Giang đạt 2.120,67 tỷ đồng, tăng 2,19% so với tháng trước và tăng 19,91% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng tỉnh đạt 18.330,61 tỷ đồng, tăng 11,84% so với cùng kỳ năm trước và đạt 81,89% so với kế hoạch năm. Một số sản phẩm công nghiệp tăng gồm: thủy sản đông lạnh; nước mắm, gạo xay, thức ăn gia súc, mũi giày da, nông cụ cầm tay...
Đối với xuất khẩu, trong tháng 10/2017, toàn tỉnh xuất khẩu 61,916 triệu USD, tăng 18,21% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, từ đầu năm đến hết tháng 10/2017, toàn tỉnh xuất khẩu đạt 537,912 triệu USD, tăng 36,30% so với cùng kỳ năm trước và đạt 108,01% kế hoạch năm.
Đánh giá những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho rằng, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng so với cùng kỳ là do từ đầu năm tới nay, Công ty CP nước Aquaone Hậu Giang, Công ty TNHH Việt Nam Food Hậu Giang, Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam... đi vào hoạt động đã đóng góp trên 375 tỷ đồng/tháng vào giá trị chung của toàn tỉnh. Bên cạnh đó còn do môi trường kinh doanh thuận lợi, đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng đầu tư nhà máy, qua đó góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh Hậu Giang trong những tháng qua.
Riêng về xuất khẩu, do ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh đã tạo dựng được thương hiệu trong và ngoài nước; đồng thời thị trường tiêu thụ của ngành này luôn ổn định và các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng từ Mỹ, EU, Nhật… kéo theo kim ngạch xuất khẩu chung của toàn tỉnh tăng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên theo đánh giá của Sở Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp dù đã có sự tăng trưởng nhưng vẫn có một số ngành nghề chưa phát triển bền vững do tác động về giá nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ…
Đối với xuất khẩu, hiện nay, tình hình xuất khẩu vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thử thách. Sự cạnh tranh xuất khẩu trên thị trường thế giới giữa các doanh nghiệp của các nước trong khu vực vào các thị trường nhập khẩu lớn diễn ra ngày càng gay gắt. Do từ trước đến nay các doanh nghiệp chỉ chủ yếu tập trung xuất khẩu vào các thị trường có mức tiêu thụ lớn như: Nhật, Mỹ và các nước EU mà bỏ qua hoặc chưa thật sự khai thác tốt các thị trường tiềm năng dễ tính khác, nên khi thị trường có sự cạnh tranh lớn đã gây ra không ít khó khăn cho các đoanh nghiệp trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Sở Công Thương cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải tiến hành đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không ngừng tìm kiếm các thị trường tiềm năng để tránh tình trạng quá phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo tuân thủ mọi yêu cầu về các biện pháp kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các sản phẩm chế biến, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, tuân thủ đúng qui định yêu cầu về kỹ thuật đóng gói, ghi nhãn, từng bước tiến tới mục đích tạo ra sản phẩm mới mang thương hiệu riêng và có giá trị kinh tế cao, từ đó góp phần ngày càng nâng cao giá trị xuất khẩu chung.