Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Environmental Science and Technology, hầu hết các loại nhựa mà người tiêu dùng gặp phải trong cuộc sống hàng ngày - bao gồm màng bọc nhựa, thảm tắm, hộp đựng sữa chua và nắp cốc cà phê - chứa những hóa chất có khả năng gây độc.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích 34 sản phẩm nhựa hàng ngày được làm từ tám loại nhựa để xem mức độ độc phổ biến. 74% sản phẩm được thử nghiệm là độc theo một cách nào đó.
Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể nói cho người biết loại nhựa nào có thể sử dụng và loại nào không. Tuy nhiên, mọi chuyện phức tạp hơn thế. Thay vì chỉ ra một vài loại nhựa có vấn đề cần tránh, thử nghiệm lại cho thấy các vấn đề về độc tính là rất rộng và có thể tìm thấy ở gần như tất cả mọi loại nhựa.
Kết quả giúp chỉ rõ việc chúng ta đang biết rất ít về nhiều loại hóa chất trong nhựa thường được sử dụng.
Cần nói rõ rằng các loại nhựa đều độc hại ở một hình thức nào đó không nhất thiết gây hại cho sức khỏe con người. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm các hóa chất theo những cách rất khác so với cách mà hầu hết chúng ta tiếp xúc với chúng. Chiết xuất các hợp chất từ nhựa và cho chúng tiếp xúc trực tiếp với các tế bào khác nhau không giống với tiếp xúc mà bạn nhận được khi uống nước , ví dụ, từ chai nước bằng nhựa dùng lại.
Nhưng kết quả đặt ra nghi ngờ về giả định rằng các sản phẩm nhựa là an toàn, cho đến khi được chứng minh khác.
Ảnh hưởng sức khỏe của nhựa
Hầu hết mọi người không hiểu rằng chúng ta biết rất ít về sự an toàn của các hóa chất được tìm thấy trong nhựa.
Nhưng trong những năm gần đây, người tiêu dùng và các chuyên gia y tế công cộng đã ngày càng bày tỏ mối lo ngại về ảnh hưởng sức khỏe tiềm ẩn của việc phơi nhiễm nhựa thông thường, hàng ngày và với các vi nhựa mà mọi người vô tình phơi nhiễm qua thực phẩm, nước và không khí.
Một số ví dụ nổi tiếng nhất bao gồm BPA, được tìm thấy trong chai nước bằng nhựa, hộp đựng bằng nhựa, hóa đơn giấy nhiệt và lớp tráng hộp thực phẩm; và phthalates, có trong nhiều sản phẩm PVC (như ống nước) và được thêm vào nhiều loại nhựa (như giả da và đồ chơi bơm hơi) để làm cho chúng mềm dẻo hơn.
Năm 2018, Hội Nhi khoa Mỹ (AAP) đã công bố báo cáo nói rằng một số hóa chất trong nhựa, bao gồm bisphenol (như BPA) và phthalates, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và khuyến nghị các gia đình giảm tiếp xúc với chúng.
Các nghiên cứu ở người đã liên hệ BPA với bệnh chuyển hóa, béo phì, vô sinh và các rối loạn như ADHD. Các nghiên cứu trên động vật cũng đã liên kết BPA với ung thư tuyến tiền liệt và tuyến vú, cũng như các vấn đề về phát triển não bộ. Phthalates được biết là ảnh hưởng đến nội tiết, nghĩa là chúng có thể làm thay đổi sự phát triển của các cơ quan sinh sản và thay đổi số lượng tinh trùng ở nam giới.
Bạn không thể chết do hoạt động nội tiết trong nhựa, nhưng nó có thể góp phần gây ra các bệnh có thể biểu hiện qua nhiều thập kỷ, hoặc nó có thể ảnh hưởng đến phôi thai và thai nhi.
Và còn nhiều hóa chất nữa mà chúng ta biết ít hơn nhiều, như nghiên cứu mới nhất này cho thấy. Đôi khi, khi các hóa chất liên quan đến những vấn đề đã biết (như phthalates) bị loại bỏ, sau đó chúng tôi phát hiện ra rằng các hóa chất thay thế lại cũng gây ra vấn đề tương tự.
Bởi vì có rất nhiều điều chưa biết, chúng ta nên có một cách tiếp cận thận trọng hơn để quyết định liệu một loại nhựa có an toàn hay không. Thay vì rút thứ gì đó ra khỏi thị trường sau khi nó được chứng minh là không an toàn, các nhà sản xuất có thể kiểm tra độc tính trước khi sản phẩm được bán. An toàn bây giờ sẽ tốt hơn là phải hối hận trong 10 hoặc 15 năm nữa.
6 bí quyết để giảm nhựa
Tránh nhựa hoàn toàn là gần như không thể, nhưng có thể giảm phơi nhiễm với các hóa chất liên quan đến các sản phẩm này.
1. Ăn thức ăn tươi. Thực phẩm càng được chế biến nhiều, nó càng có thể tiếp xúc với các vật liệu có khả năng thôi nhiễm hóa chất.
2. Đừng mua theo quảng cáo “nhựa sinh học”. Nhựa “xanh” hoặc nhựa phân hủy sinh học nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng cho đến nay nó có vẻ không được như kỳ vọng. Hầu hết các dữ liệu chỉ ra rằng các sản phẩm này không phân hủy sinh học như quảng cáo. Thêm vào đó, nghiên cứu mới nhất cho thấy những sản phẩm này (như PLA sinh học, phân hủy sinh học) có thể có tỷ lệ độc cao.
3. Không sử dụng nhựa mà chúng ta biết là có vấn đề. Nhưng cũng đừng giả định rằng tất cả các sản phẩm khác vốn đã an toàn. Hội Nhi khoa Mỹ trước đây đã lưu ý rằng các mã tái chế “3”, “6”, và “7” chỉ ra sự có mặt tương ứng của phthalates, styrene, and bisphenols- vì vậy bạn có thể muốn tránh sử dụng những hộp đựng có con số này trong biểu tượng tái chế ở đáy hộp. Mã “3” và “7” cũng chỉ ra nhựa PVC và PUR, mà nghiên cứu cho thấy chứa độc tính cao nhất. Nhưng các sản phẩm làm từ các loại nhựa khác cũng chứa hóa chất độc hại, nghĩa là giảm sử dụng nhựa nói chung có lẽ là cách tốt nhất để tránh phơi nhiễm.
4. Không lưu trữ thực phẩm trong hộp nhựa. Hộp đựng thực phẩm có thể chứa những hóa chất thôi nhiễm vào thực phẩm. Điều này đặc biệt đúng đối với thực phẩm có dầu mỡ hoặc chất béo, cũng như thực phẩm có tính axit hoặc kiềm cao. Hãy chọn hộp đựng bằng thép không gỉ, thủy tinh hoặc sứ.
5. Không đun nóng nhựa. Đun nóng nhựa có thể làm tăng tốc độ thôi nhiễm hóa chất, vì vậy hãy cố gắng tránh đặt chúng vào lò vi sóng hoặc máy rửa bát. Ngay cả việc để đồ đựng bằng nhựa trong xe ô tô nóng cũng có thể làm tăng giải phóng các hóa chất lo ngại.
6. Bỏ phiếu bằng ví của bạn. Hãy cố gắng mua các sản phẩm không đóng gói trong bao bì nhựa. Chúng ta cần phải làm cho các nhà sản xuất nhận thức được vấn đề. Có những sản phẩm có thể mang lại những lợi ích cần thiết để làm cho chuỗi thức ăn an toàn hơn.
Cẩm Tú / Dân trí (Theo CR)