Bức tranh về cơ chế ưu đãi đặc thù cho tỉnh Quảng Ninh vốn được đồn đoán trong nhiều tháng qua đã được phác họa chi tiết.
Đó cũng là những nội dung đáng chú ý nhất tại Tờ trình Chính phủ về dự thảo Quyết định ban hành cơ chế ưu đãi cho tỉnh Quảng Ninh vừa được Bộ Kế hoạch đầu tư gửi Thủ tướng Chính phủ.
Với mục tiêu xuyên suốt là tạo cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng đối với Quảng Ninh phải đảm bảo không kém thuận lợi hơn cơ chế, chính sách hiện hành đang áp dụng đối với một số địa phương và khu kinh tế trên địa bàn cả nước.
Đồng thời, có tính đến mức độ đặc thù khác nhằm đảm bảo sức cạnh tranh quốc tế của Quảng Ninh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Từ đó, bức tranh về cơ chế “ưu đãi đặc thù” cho tỉnh Quảng Ninh vốn được đồn đoán trong cả thời gian dài vừa qua đã được phác họa.
Cơ chế tạm ứng trước vốn kế hoạch
Dự thảo Quyết định của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho phép Quảng Ninh tạm ứng trước vốn kế hoạch của năm liền kề theo tiến độ thực hiện các dự án trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách theo quy định hiện hành và xem xét tính cấp bách của từng dự án cụ thể.
Trường hợp do nhu cầu tiến độ thực hiện dự án cần ứng trước tổng số chi ngân sách năm sau cho các cơ quan, đơn vị vượt quá 20% dự toán chi ngân sách theo từng lĩnh vực tương ứng năm hiện hành đã giao hoặc số kiểm tra dự toán chi ngân sách năm sau đã thông báo cho cơ quan, đơn vị đó, UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ.
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong giai đoạn 2013 – 2015, Quảng Ninh có 312 dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương cần triển khai nhằm tạo động lực thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nơi có vị trí địa lý chiến lược trong quốc phòng – an ninh của cả nước.
Hỗ trợ nguồn vốn để tập trung đầu tư các công trình trọng điểm
Quảng Ninh là một trong 3 cực tam giác phát triển của vùng Bắc Bộ và là tỉnh điều tiết về ngân sách trung ương. Dự thảo Quyết định cho phép tỉnh Quảng Ninh được ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác trong kế hoạch hàng năm và giai đoạn 2015 – 2020 để tập trung phát triển các dự án, công trình.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp các bộ, ngành có liên quan trình cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ nguồn vốn này cho Quảng Ninh.
Các loại dự án được xem xét hỗ trợ vốn kịp thời để đầu tư, bao gồm:
Dự án, công trình hạ tầng: Đường nối TP. Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.
Các dự án, công trình y tếm khoa học và công nghệ, giáo dục, môi trường: Các dự án bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Trung tâm thể thao vùng Đông Bắc tại TP.Hạ Long, hạ tầng công nghệ thông tin Vân Đồn.
Ưu tiên vận động các nguồn vốn ODA và vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội, các công trình dịch vụ tiện ích công cộng cần thiết
Cho phép tỉnh Quảng Ninh ưu tiên thu hút, vận động các nguồn vốn ODA và vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, các công trình dịch vụ tiện ích công cộng cần thiết.
Bao gồm: Dự án bảo vệ môi trường TP.Hạ Long; Phát triển các đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng giai đoạn 2 (GMS) (bao gồm dự án cấp nước thành phố Móng Cái); Hạ tầng công nghệ thông tin Vân Đồn.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và các bộ, ngành liên quan tổ chức vận động các nhà tài trợ ODA đối với từng dự án cụ thể.
Hỗ trợ đầu tư theo hình thức công - tư PPP đối với các công trình hạ tầng quan trọng
Cho phép tỉnh Quảng Ninh thực hiện một số dự án trọng điểm theo hình thức PPP.
Các dự án được xem xét bao gồm: Sân bay quốc tế Vân Đồn, Đường caoo tốc Hạ Long – Vân Đồn - Móng Cái, Bệnh viện quốc tế Vân Đồn, Cảng biển Hải Hà, Cảng du lịch và bến du thuyền tại Hạ Long và Vân Đồn
Tỉnh Quảng Ninh chủ động lựa chọn các dự án phù hợp với tiêu chí đầu tư PPP để xây dựng danh mục dự án PPP.
Đồng thời, ưu tiên bố trí các nguồn vốn thuộc thẩm quyền của mình cho phần vốn góp của nhà nước đối với các dự án PPP cũng như cam kết về mặt bằng cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án PPP.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần vốn ngân sách Trung ương từ nguồn đối ứng PPP đối với các dự án được lựa chọn.
Tỉnh Quảng Ninh được xem xét áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với Dự án đường nối từ TP.Hạ Long với cầu Bạch Đằng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Tờ trình bổ sung số 2884/UBND-XD2 ngày 29/5/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh, dự án đường nối từ TP.Hạ Long với cầu Bạch Đằng là tuyến đường kết nối giữa TP.Hạ Long với tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Đây là dự án có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Đồng thời, dự án khi hoàn thành cũng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Mặt khác, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2015.
Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến đường nối từ TP.Hạ Long với cầu Bạch Đằng để kịp khớp nối cùng tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đảm bảo bố trí đủ vốn từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án trên.
Dự thảo Quyết định đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Quảng Ninh được xem xét, áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với dự án trên theo quy định tại Quyết định số 50/2012/QĐ-TTg ngày 9/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Vũ Minh
Bizlive