Tình trạng nhiều chính sách nhưng thiếu hiệu quả đã khiến ngành công nghiệp Việt Nam chưa thể vươn lên mạnh mẽ, đó là ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Công thương tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Nhìn lại 30 năm đổi mới, ngành công nghiệp nước ta mặc đã dù đã gặt hái được những thành công nhất định nhưng vẫn còn quá nhiều thách thức.
Ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các chính sách chung và chính sách ngành trong lĩnh vực công nghiệp đã có tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong 10 năm trở lại đây.
Giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp tăng trưởng liên tục nhiều năm. Giai đoạn 2006-2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần. Tỉ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31-32%/tổng GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Giá trị gia tăng công nghiệp tăng bình quân 6,9%/năm giai đoạn 2006-2015, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần. Cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chuyển dịch tích cực, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm tỷ trọng chủ yếu và tăng liên tục…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển công nghiệp đất nước cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều chuyên gia cho rằng, công nghiệp Việt Nam đang ở trình độ phát triển thấp, sản xuất công nghiệp thiếu bền vững, chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, nội lực của nền công nghiệp còn yếu, sự liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước yếu còn thiếu chặt chẽ. Năng suất lao động công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến – chế tạo còn ở mức thấp. Năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp còn yếu, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất hạn chế. Vấn đề liên kết vùng trong phát triển công nghiệp còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả, chính sách phát triển các cụm liên kết công nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự được chú trọng. Không gian phát triển công nghiệp hiện nay còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, thiếu sự hợp tác và phân công lao động trong vùng, có tình trạng các tỉnh trong vùng cạnh tranh với nhau trong thu hút đầu tư, lựa chọn phát triển ngành ưu tiên, mũi nhọn của tỉnh/thành phố mà không có sự hợp tác, phân chia theo thế mạnh, năng lực của từng địa phương.
Các chuyên gia cũng cho rằng, quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia chưa tôn trọng đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường, chưa tham vấn đầy đủ các đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách, còn thiếu các chính sách cụ thể, thiếu sự ưu tiên về nguồn lực để theo đuổi một cách nhất quán và quyết liệt các mục tiêu đã đề ra.
Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua “mang hình hài quả mít, rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết được đâu là ưu tiên, đâu là đột phá” và chính sách đã đến lúc buộc phải thay đổi.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp để định hướng chính sách phát triển phù hợp.
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng nhiều chính sách, nhưng thiếu hiệu quả đang khiến các doanh nghiệp và ngành công nghiệp Việt Nam chưa thực sự vươn lên mạnh mẽ.
Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda Nhật Bản cho rằng, với lực lượng lao động hùng hậu của một quốc gia sắp đạt 100 triệu dân, Việt Nam cần đẩy mạnh công nghiệp hóa trong một diện vừa rộng vừa sâu vào chuỗi giá trị của sản phẩm công nghiệp. Đồng thời, phải khôn ngoan trong lựa chọn nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI)… “Phải tạo điều kiện cho DN Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập được thương hiệu riêng” – Giáo sư Thọ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, để thúc đẩy phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, cần đổi mới tư duy khi xây dựng chính sách theo hướng “đưa chính sách vào cuộc sống” cần kết hợp đồng bộ với “đưa cuộc sống vào chính sách”. Đồng thời cân nhắc những chính sách ưu đãi phải dựa trên nguồn lực nội tại.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu ra 4 gợi ý để phát triển công nghiệp như phát triển công nghiệp chế biến, cần tập trung giải quyết tình trạng “đa nhưng không tinh” của các sản phẩm chế biến, đặc biệt là vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm; Trong lĩnh vực đầu tư cần lựa chọn, tập trung tối đa vào một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng thương hiệu mạnh và chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và nước ngoài, tránh tình trạng dàn trải; Trong lĩnh vực thị trường, cần xác định phát triển thị trường hàng hóa là yếu tố quan trọng cho sự phát triển công nghiệp; và Trong lĩnh vực liên kết ngành, cần phát huy sức mạnh tổng thể của các thành phần kinh tế, khai thác mọi nguồn lực cho phát triển.
Bá Tú / DĐDN