Chăm sóc đàn lợn thịt tại xã thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Để vượt qua thách thức của EVFTA, ngành chăn nuôi Việt Nam cần có một sự nỗ lực rất lớn nhằm “chuyển mình” đổi mới, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) trong thời gian tới là cơ hội lớn đối với một số ngành xuất khẩu, nhưng lại mang đến không ít thách thức cho ngành chăn nuôi Việt Nam.
Để vượt qua thách thức này, ngành chăn nuôi Việt Nam cần có một sự nỗ lực rất lớn nhằm “chuyển mình” đổi mới để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường.
Cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà
Trong vài thập kỷ qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đã có nhiều biến động to lớn và thay đổi căn bản, nhất là từ khi Quốc hội ban hành Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 đến nay.
Từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi các giống bản địa là chủ yếu, chuồng trại sơ sài, kỹ thuật lạc hậu, đến nay đã phổ biến là chăn nuôi trang trại, công nghiệp, ứng dụng chuồng kín, chuồng lồng, sản xuất tập trung, hàng hóa và cơ bản đã nuôi các giống cao sản, tiên tiến của thế giới.
Đặc biệt, hiện nay, chăn nuôi công nghiệp cao đang có xu hướng phát triển mạnh với nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Dabaco, Thái Dương, C.P Việt Nam…
Nhiều doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực chăn nuôi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng trở lên đã có tác động tích cực, lan tỏa đến đội ngũ sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời đánh thức các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhờ đó, ngành chăn nuôi đã đạt được sự tăng trưởng khá cao và ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5-6%/năm giai đoạn 2008-2019.
Mới đây, việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được Nghị viện châu Âu thông qua (ngày 12-2-2020) là một tin vui lớn với nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đối với ngành chăn nuôi, các chuyên gia nhận định, đây là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất, gặp nhiều khó khăn nhất khi EVFTA đi vào thực thi.
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đối với ngành chăn nuôi dư địa thuế và thị trường trong nước khá tốt cho các nước EU, ở chiều ngược lại, sức ép từ EVFTA đối với ngành chăn nuôi trong nước cũng không nhỏ.
Cụ thể, khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ ngay lập tức 72% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam, 27% số dòng thuế còn lại sẽ về 0% sau 3-7 năm.
Về phía Việt Nam, sẽ xóa bỏ ngay lập tức 31,82% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam, 6 dòng thuế áp dụng hạn ngạch, số dòng thuế còn lại sẽ giảm về 0% sau 3-9 năm.
Hiện nay, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm thịt từ EU vào Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ, nhưng khi các mức thuế quan được cắt giảm, tỷ trọng và kim ngạch nhập khẩu từ EU có thể sẽ tăng đáng kể.
Người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội được sử dụng các sản phẩm chăn nuôi có chất lượng của EU.
Tuy nhiên, đây lại là điều rất đáng lo ngại đối với các chủ trang trại, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp Việt, khi bài toán về giá cả và chất lượng sản phẩm đang là điểm yếu của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Hiện nay, chi phí sản xuất của ngành chăn nuôi ở Việt Nam vẫn còn lớn, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Trong khi thịt nhập khẩu từ EU phải chịu mức thuế 20-40% nhưng khi vào thị trường Việt Nam, giá vẫn thấp hơn nhiều với các sản phẩm cùng loại trong nước.
Đối với ngành sữa, thuế nhập khẩu sẽ giảm trong vòng 3 năm, như vậy, sẽ cạnh tranh gay gắt với sữa bột và các sản phẩm sữa trong nước.
Chi phí sản xuất sữa bò ở Việt Nam cũng cao hơn EU, cùng với năng suất trung bình thấp khiến lợi thế sản xuất sữa của Việt Nam thấp hơn EU. Đặc biệt, các doanh nghiệp sữa trong nước gần như không được hưởng lợi từ xuất khẩu, vì EU vẫn chưa cấp phép xuất khẩu sữa có xuất xứ từ Việt Nam.
Cùng với sự cạnh tranh về giá, các yếu tố khác như tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh, chất lượng, sẽ làm gia tăng cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong nước tại thị trường nội địa.
Khách chọn mua thịt lợn tại Hapro Thành Công. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Đây là áp lực đối với doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, chế biến thực phẩm khi lộ trình cắt giảm thuế hoàn thành. Nhất là khi, ngành chăn nuôi trong nước còn nhỏ lẻ, việc quản lý dịch bệnh, công nghệ chăn nuôi còn hạn chế… rất khó để cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi nhập ngoại.
Theo ông Trần Công Thắng, khi EVFTA có hiệu lực, nhiều nước EU có khả năng xuất khẩu rất mạnh các sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, bò, gà, sữa… vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, khả năng thâm nhập các thị trường mới của ngành chăn nuôi nội địa còn yếu, do nhiều sản phẩm chưa được công nhận về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật.
Tập trung cho những doanh nghiệp lớn có công nghệ cao
Để không bị thua ngay trên sân nhà, yêu cầu đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải có những giải pháp mang tính căn cơ.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng ta cần tập trung cho những doanh nghiệp lớn có công nghệ cao và tiềm lực đi trước, nhằm tạo sự lan tỏa đến các hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ; từ đó đưa ra lộ trình đưa các sản phẩm nông sản vào thị trường của Châu Âu.
Cùng với đó, ông Nguyễn Xuân Dương Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, để có thể khai thác được lợi ích từ EVFTA, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Từ đó nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…
Cụ thể như cải tạo và phát triển các loại giống tốt có nhiều ưu điểm và có năng suất, chất lượng cao, áp dụng các quy trình gây giống, nuôi trồng tiến bộ, hiệu quả, tổ chức các hoạt động sản xuất một cách có tổ chức, quy hoạch cụ thể, hiện đại.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu, cần nhanh chóng hình thành các hợp tác xã, vùng sản xuất nông nghiệp lớn, tham gia các Hiệp hội ngành hàng, cùng nhau phát triển.
Xây dựng một chiến lược tiếp cận thị trường, đánh giá được sức cạnh tranh của từng loại nông sản, tận dụng các thế mạnh của Việt Nam làm tiền đề để các doanh nghiệp tiến vào thị trường EU.
Ngoài ra, theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần T&T 159, cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là ngành nông nghiệp, như bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn phải có những chỉ đạo quyết liệt hơn để các địa phương cũng phải vào cuộc đặc biệt là những tỉnh đang có thế mạnh.
Bên cạnh thách thức, EVFTA cũng thúc đẩy các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước tăng cường hợp tác, tiếp thu khoa học-công nghệ mới… từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.