Hiệp hội Ngân hàng họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm, kể cả các khoản cộng khuyến mãi nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, an toàn thanh khoản hệ thống.
Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi ngân hàng đồng thuận mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm - Ảnh: HHNH
Cuộc họp diễn ra vào 15-12.
Tham dự cuộc họp ngoài Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng hội viên còn có ông Đào Minh Tú - phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước - cùng đại diện các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước như Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Vụ chính sách tiền tệ, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho hay lý do phải tổ chức cuộc họp là vì hiện mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường dân cư rất cao, phổ biến từ 9 - 10% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó một số ngân hàng có mức lãi suất lên tới 11,5%/năm.
"Một số ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động đã gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay, khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng đầu năm.
Từ đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng", ông Hùng nói.
Ngày 7-12, Hiệp hội Ngân hàng đã có một cuộc họp trước với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, kể cả các khoản khuyến mãi cộng lãi suất.
Sau cuộc họp này, Hiệp hội Ngân hàng đã có văn bản báo cáo thống đốc Ngân hàng Nhà nước và kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ các ngân hàng liên quan đến hỗ trợ thanh khoản từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2023, đồng thời thống nhất mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm.
Ngày hôm nay Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng hội viên nhằm đồng thuận lãi suất huy động này.
Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt các ngân hàng trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực của từng tổ chức tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
"Giảm lãi suất nhưng không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính, ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Nhưng cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận, và cổ đông phải chia sẻ", ông Tú nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng đều thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng trong việc đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo các ngân hàng, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện nay chưa có xu hướng giảm, bởi một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đầu tuần này có ngân hàng đã chào mức lãi suất huy động lên đến 12,7%/năm cho kỳ hạn từ 18 tháng. Còn nếu gửi từ 13 tháng lãi suất lên đến 12,5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu bắt đầu từ ngày 12-12, các ngân hàng phải báo cáo lãi suất tiền gửi và cho vay của các giao dịch phát sinh mới trong kỳ báo cáo hằng tuần cho Ngân hàng Nhà nước.