|
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mang lại những lợi ích, là một phần không thể thiếu trong hành trình hội nhập và phát triển, song kết quả có tương xứng với kỳ vọng và phần “vốn đối ứng” của chủ nhà Việt Nam hay không thì cần phải luận bàn.
Tảng băng mới nổi một phần
Điều sớm nhận ra là FDI đã bộc lộ những tác động không mong muốn.
Các nhà đầu tư nước ngoài dè dặt bỏ vốn vào các lĩnh vực công nghệ cao, không thực tình chuyển giao kỹ thuật hiện đại cho Việt Nam. Chỉ có 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% công nghệ trung bình; còn lại tỷ lệ công nghệ thấp gấp 3 lần tỷ lệ công nghệ cao.
Công nghệ không cao chẳng những không giúp ích nhiều cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ta mà còn đẻ ra nhiều hệ lụy khác, nhất là các ngành công nghệ cổ điển tốn nguyên nhiên vật liệu và xả thải nhiều.
Năm 2011, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước có công nghiệp theo hướng hiện đại song đã sớm nhận ra không đạt được, một phần do kết quả đáng thất vọng về sự hỗ trợ của khu vực FDI. Công nghiệp Việt Nam về cơ bản vẫn chỉ là gia công, lắp ráp, sơ chế.
Việc này có nhiều nguyên do. Chủ trương thu hút đầu tư trên tầm vĩ mô đúng nhưng trong chỉ đạo, điều hành thiếu đồng bộ giữa các ngành, địa phương. Ào ạt tiếp nhận đầu tư không khỏi lọt lưới các công nghệ thải loại. Số dự án mang tiếng là “chế tạo” đứng đầu trong tổng số các dự án (55,03%) nhưng tỷ lệ vốn trong tổng số vốn FDI chỉ có 53,16%, chứng tỏ bình quân vốn của mỗi dự án dạng này thường nhỏ. Trong khi các lĩnh vực khác số dự án khiêm tốn nhưng tỷ lệ vốn lại cao, như lĩnh vực bất động sản, số dự án chỉ chiếm 2,59% nhưng số vốn lại lên tới 21,28%(1).
Phải thừa nhận người làm trong các doanh nghiệp FDI có thu nhập cao, nhất là các chức danh “phó” trong ban lãnh đạo liên doanh, các đốc công ca kíp, thợ cả kỹ thuật nhưng với người thợ nói chung thì “lương nào mồ hôi nước mắt đó”- dù lương danh nghĩa “có vẻ” cao.
Nôn nóng tăng GDP, không ít địa phương ngoài chính sách ưu đãi chung còn ban thêm đặc ân, khiến FDI trở thành liều thuốc bổ nuôi con bệnh thành tích, cho đến khi mọi thứ vỡ ra. |
Bình quân lương của các doanh nghiệp FDI năm 2015 là 5,24 triệu đồng/tháng và năm 2016 là 5,69 đồng/tháng, thấp hơn bình quân của người lao động nói chung (5,31 triệu đồng/tháng và 5,71 triệu đồng/tháng), khối doanh nghiệp nhà nước ( 6,98 triệu đồng/tháng và 7,08 triệu đồng/tháng), khối công ty cổ phần có phần vốn của nhà nước (5,85 triệu đồng/tháng và 6 triệu đồng/tháng)(2).
Các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước có trình độ phát triển khác nhau có cách ứng xử với môi trường khác nhau. Đáng tiếc số làm tốt không nhiều, còn các đối tượng vi phạm lại không hiếm, trong đó có trường hợp gây ô nhiễm rất nghiêm trọng, việc khắc phục mất rất nhiều thời gian, tiền bạc. Sự cố ô nhiễm môi trường biển bốn tỉnh miền Trung vừa qua do Công ty Formosa (Hà Tĩnh) xả thải gây ra là ví dụ còn nguyên tính thời sự.
Có nguyên nhân do “chủ nhà” chưa hoàn thiện luật pháp về môi trường nhưng phải nói tới sự tắc trách của các doanh nghiệp FDI. Họ đến từ các nền kinh tế phát triển, từng nếm trải ô nhiễm do tăng trưởng nóng trong thời kỳ tiền công nghệ, có nguồn lực, đáng ra họ phải làm tốt hơn, song đã lợi dụng sự yếu kém của ta để trục lợi chi phí đáng ra phải chi để bảo vệ môi trường. Formosa (Hà Tĩnh), Vedan (Đồng Nai) là những cái tên nằm trong danh sách... đen
Bài học đã qua và thách thức mới
Nôn nóng tăng GDP, không ít địa phương ngoài chính sách ưu đãi chung còn ban thêm đặc ân, khiến FDI trở thành liều thuốc bổ nuôi con bệnh thành tích, cho đến khi mọi thứ vỡ ra.
Hầu hết các địa phương đều có chính sách miễn thuế cho doanh nghiệp FDI trong mấy năm đầu đầu tư vào địa bàn mình, lợi dụng điều đó, nhiều doanh nghiệp FDI vừa hết thời hạn hưởng miễn thuế ở nơi này đã chuyển sang nơi khác để tiếp tục được miễn. Có doanh nghiệp FDI chuyển giá, kêu lỗ để được giảm các khoản phải nộp.
Nóng hổi là chuyện của Công ty TNHH Everbest Việt Nam (100% vốn Đài Loan), tại Cẩm Phả, Quảng Ninh. Công ty này từng là một trong những gương tốt về doanh thu, nộp ngân sách, thu nhập và chế độ đối với công nhân. Vậy mà trước Tết Đinh Dậu 2017 đột ngột thông báo chấm dứt hoạt động từ ngày 20-2-2017, nại rằng kinh doanh không hiệu quả, thiếu đơn hàng. Nghỉ Tết xong, 2.274 công nhân mất việc. Nhưng thế còn may, không ít trường hợp chủ nước ngoài lặng lẽ lặn mất tăm, trốn trả lương, đóng bảo hiểm xã hội.
Ngân sách nước ta thu được có đáng gì so với lợi nhuận khổng lồ họ chuyển về? Và, liệu ta có đủ kinh phí để hốt núi rác, xua tan khí độc, tát cạn nước biển dơ mà nhiều doanh nghiệp FDI đã gây ra?
Qua hành trình gần 30 năm thu hút FDI, những được - mất đã dần rõ, cần lấy đó làm hành trang cho chặng đường tiếp theo nhiều thách thức mới.
Năm 2017 được nhận định sẽ có làn sóng mới đầu tư vào Việt Nam và trên thực tế, cũng đã chớm nở bước sóng ngắn. Song những diễn biến mới liên quan tới việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sự rạn nứt của EU sau sự kiện Brexit của Anh, xu hướng bảo hộ mậu dịch quay trở lại, cộng với tác động siêu mạnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trước sau gì cũng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề FDI của nước ta
Nhãn tiền ở ngành dệt may. Mấy năm gần đây xuất khẩu dệt may tăng trưởng nhanh phần lớn nhờ các nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc và tìm đến Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi nhanh, ngay năm 2016, đơn hàng giảm mạnh, khách hàng còn yêu cầu giảm giá đáng kể. Dệt may của ta đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu, với một bên là nhân công rẻ hơn từ Campuchia, Bangladesh, Myanmar... và bên kia là người máy đang được dùng ngày càng rộng rãi ở các nước phát triển và ngay ở Trung Quốc, dẫn đến việc sản xuất dệt may trở lại chính nước đặt hàng và quay lại đại lục để gần hơn với thị trường tiêu thụ lớn, các trung tâm cung cấp nguyên vật liệu, phụ kiện... Từ đây, ta buộc phải tính đến tương lai của dệt may nước nhà.
Làm tiếp những việc chưa làm được
Quan điểm xuyên suốt trong việc thu hút FDI phải là coi trọng chất lượng, thận trọng không tiếp nhận với bất cứ giá nào. Thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia, các “nhà giàu” đến từ các nền kinh tế phát triển. Tạo liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, gắn bó sản xuất - thị trường kinh doanh. Ưu tiên thu hút các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Tạo sự phát triển đồng đều, hợp lý giữa các vùng miền, khai thác thế mạnh của mỗi địa bàn, không phá vỡ không gian kinh tế và an ninh quốc gia.
Để thực hiện được những điều đó, cần rà soát, sửa đổi chính sách khuyến khích đầu tư, hiệu chỉnh các quy định phân cấp quản lý, phân công trách nhiệm bảo đảm sự chủ động của địa phương nhưng nằm trong định chế chung. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp FDI, tập trung chống hành vi chuyển giá, trốn tránh trách nhiệm với môi trường, đi ngược những cam kết.
Bức tranh FDI tại Việt Nam Trong 26 năm từ 1991-2016, Việt Nam đã thu hút 151 tỉ đô la Mỹ vốn FDI. Qua mỗi giai đoạn việc giải ngân càng cải thiện. Bình quân giai đoạn 1991- 2000 (giai đoạn 1) giải ngân 19,5 tỉ đô la Mỹ/ năm, với các dự án mang tính thăm dò, hầu hết quy mô nhỏ và vừa, những năm cuối mới có dự án lớn. Giai đoạn 2001-2010 (giai đoạn 2) giải ngân gấp 3 lần giai đoạn 1, đạt 58,5 tỉ đô la Mỹ/ năm, với nhiều dự án lớn, công nghệ cao, dịch vụ hiện đại. Giai đoạn 3 từ 2011-2016 là 12,2 tỉ đô la Mỹ/ năm, bằng 2,09 lần giai đoạn 2, càng có nhiều dự án lớn từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên. Khoảng 80 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó các nước châu Á chiếm gần 70% số dự án. Các nước châu Âu chiếm dưới 20% và còn lại là các châu lục khác (2). Những tác động tích cực của khu vực FDI: • Mở ra kênh huy động vốn đầu tư quốc tế bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (năm 2016, khu vực FDI chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp). • Mở mang thị trường, nâng cao năng lực xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế (đóng góp của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhảy vọt từ tỷ trọng vài phần trăm năm đầu đến nay đã tới 70%). • Bổ sung hàng trong nước (trong khi nguồn ngoại tệ mạnh còn eo hẹp và dòng hàng từ các nước xã hội chủ nghĩa đột ngột cắt giảm thì việc xuất hiện những sản phẩm gắn thương hiệu “Liên doanh Việt Nam với...” trên thị trường nội địa đã cải thiện gương mặt hàng hóa và bổ sung cho thị trường nội địa). • Tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực. • Chuyển giao công nghệ. (Tác giả tổng hợp) |
(1) Theo thông tin tại hội thảo Tham vấn khung chính sách về giảm thiểu tác động môi trường của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam
(2) Theo báo Lao động ngày 10-1-2017
Nguyễn Duy Nghĩa / TBKTSG