Giới kinh doanh tại Việt Nam đang bị chấn động khi nhiều người, nhiều tổ chức nổi tiếng có tên trong danh sách "Hồ sơ Panama", kho dữ liệu khổng lồ chứa các thông tin của hàng trăm ngàn doanh nghiệp ở những "thiên đường trốn thuế".
Diễn biến vụ 'Hồ sơ Panama'. Đồ họa: Hoàng Đình
Ngày 9/5, Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) có trụ sở đặt tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) đã công bố cơ sở dữ liệu của 2 vụ điều tra Panama Papers và Offshore Leaks (có thể tìm kiếm tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org). Trong đó, Panama Papers là kết quả điều tra tổng hợp từ hàng trăm nhà báo quốc tế khi tiến hành thu thập dữ liệu về khách hàng của Công ty luật Mossack Fonseca, đơn vị có trụ sở chính tại Panama cùng văn phòng ở hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dữ liệu bao gồm hồ sơ pháp lý, tài chính, cổ đông của những công ty sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca để thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài. Qua hơn 11,5 triệu tài liệu, Panama Papers đã cung cấp thông tin liên quan 214.000 công ty ở những “thiên đường trốn thuế” như Panama, quần đảo Cayman (thuộc Anh) và quần đảo Virgin (thuộc Anh) nhưng do những người ở các nước khác thành lập. Còn cuộc điều tra Offshore Leaks thì được công bố từ tháng 4.2013 do 110 phóng viên đến từ 58 nước. Kết quả điều tra tiết lộ thông tin của hơn 100.000 công ty cũng đóng tại các “thiên đường trốn thuế” do người nước ngoài thành lập.
Theo cơ sở dữ liệu trên, có hàng trăm cá nhân, tổ chức có liên quan đến Việt Nam, trong đó có những doanh nhân nổi tiếng, kỳ cựu.
Nguồn này có chính xác hay không, mức độ chính xác đến đâu cần phải điều tra mới có thể làm rõ. Phải phối hợp với quốc tế thì mới thực hiện được chứ không thể tin ngay các tài liệu đó và cũng không thể đơn phương làm được. Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng |
Liên hệ với ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SSI, một trong những cái tên có trong “Hồ sơ Panama”, ông tỏ vẻ thoải mái trước thông tin trên và cho biết SSI và Công ty TNHH NDH (do ông sở hữu 100% vốn) là 2 thành viên góp vốn của Quỹ đầu tư thành viên SSI do Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) quản lý. SSIAM và Quỹ đầu tư thành viên SSI được Bộ KH-ĐT cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài vào năm 2010 để thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
“Công ty đã đầu tư ra nước ngoài và không có hoạt động nào liên quan đến các hành vi trốn thuế, rửa tiền hay hành vi vi phạm pháp luật nào khác”, ông nói. Theo ông Hưng, thông thường một doanh nghiệp sẽ tìm các quy định pháp luật để không bị đánh thuế trùng, và việc chuyển tiền đầu tư đi về đều có Ngân hàng Nhà nước kiểm soát. “Chúng tôi hoạt động có giấy phép, là định chế đầu tư xuyên quốc gia, chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư theo giấy phép kinh doanh. Người ta nói cứ đặt công ty tại những nơi như quần đảo Virgin (BVI), quần đảo Cayman... ai cũng rửa tiền là tầm bậy”, ông nói.
Trong khi đó, ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc phát triển kinh doanh của Dragon Capital (DC) lý giải việc Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), đơn vị do DC quản lý xuất hiện trong "Hồ sơ Panama" vì có lịch sử đầu tư vào Norco Tiles (Việt Nam), một công ty sản xuất gạch gốm có trụ sở tại tỉnh Bình Dương. VEIL từng là cổ đông của Norco Tiles Limited (NTL), công ty mẹ của Norco Tiles (Việt Nam), từ năm 1997 với tỷ lệ 31% cổ phần, sau đó thoái vốn hoàn toàn vào năm 2005. Công ty này có tên trong "Hồ sơ Panama" nên VEIL bị liên đới.
Sở hữu Furama International Hoteliers Limited (Furama) có tên trong "Hồ sơ Panama", bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico, giải thích: “Năm 2005, chúng tôi có chủ trương đầu tư về Việt Nam. Vì thế, Sovico Corporation Ltd đã đấu thầu và thắng thầu quốc tế để mua lại toàn bộ phần vốn góp từ các công ty thuộc Tập đoàn Lai Sun (Hồng Kông), chiếm 75% vốn tại Công ty liên doanh khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort). Công ty Furama đã có từ năm 1992 do Lai Sun thành lập, đăng ký tại British Virgin Islands và quốc gia liên quan là Việt Nam, công ty đại diện là Mossack Fonseca. Do Furama nằm trong danh sách công ty do Mossack tư vấn nên khi chúng tôi mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte Ltd trong danh sách cũng là bình thường".
Trong danh sách Panama công bố, có nhân vật tên Đỗ Tuấn Anh được cho là ông Đỗ Tuấn Anh, thạc sĩ Quản lý tài sản đầu tư (Đại học Tổng hợp Quản lý Singapore), Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Tuấn Anh cho biết, ông và HĐQT đang cân nhắc việc lên tiếng vì đây là sự trùng tên.
Chúng tôi đã liên hệ vài công ty, địa chỉ mà “Hồ sơ Panama” công bố. Theo đó, địa chỉ 354/70 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10 là của một nhà xe vận chuyển. Địa chỉ 52/18 Gia Phú, P.13, Q.5, TP.HCM thì người trả lời đầu dây cho biết đây là Công ty TNHH Tề Lực quốc tế, nhưng khẳng định là có sự nhầm lẫn vì công ty mới thành lập tháng 7.2015, đến tháng 4.2016 mới bắt đầu phát sinh doanh thu. Hoặc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Đệ nhất Liên bang cũng có tên trong danh sách nhưng tìm hiểu thì đây là công ty thành lập vào năm 1998, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tuyển dụng nhân sự. Người ở đầu dây cho biết CEO là một Việt kiều và hiện đang đi công tác vì có nhiều công ty con, nên không thể trả lời cụ thể. Công ty vừa mới sáp nhập với một công ty Nhật, CEO hiện tại là người Nhật.
2/3 là doanh nghiệp FDI
Danh sách liên quan đến Việt Nam do ICIJ công bố có tới 2/3 số DN được nêu là DN đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt là những DN FDI lớn, được coi là những “ông trùm” trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí, dịch vụ cảng biển… như V-Trac, Opeco Vietnam, SGL Vietnam… Trong đó, V-Trac là tập đoàn sở hữu 100% vốn nước ngoài, vào Việt Nam từ rất sớm, ngay sau khi Việt Nam được tháo dỡ lệnh cấm vận. Đây cũng là DN đưa nhiều thương hiệu lớn thế giới trong lĩnh vực máy xây dựng, máy phát điện, vận tải biển và dịch vụ tài chính vào Việt Nam và gần như “thống lĩnh” mảng dịch vụ dầu khí tại Việt Nam. Website của công ty tại Việt Nam cho rằng: “Sau 15 năm dẫn đầu thị trường phân phối thiết bị nặng, V-Trac đã tiến vào thị trường bất động sản…”.
Còn Opeco Vietnam vào Việt Nam năm 2011, chuyên hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và các loại quặng khác. SGL Vietnam hoạt động trong lĩnh vực logistics và là nhà đầu tư nước ngoài lớn tại cảng Nam Hải - Đình Vũ (khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng). Trước 2014, SGL Vietnam liên doanh với Công ty CP Gemadept (GMD) theo tỷ lệ góp vốn 51/49, phía nước ngoài nắm 51% vốn điều lệ. Đầu năm 2014, GMD đã công bố thông tin chuyển nhượng toàn bộ 49% vốn góp tại liên doanh SGL cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, một số nhân vật gắn với mảng kinh doanh trong giáo dục cũng được nêu trong danh sách này. Chẳng hạn, ông Đoàn Hồng Nam, Chủ tịch IIG Vietnam. IIG là tổ chức cung cấp các giải pháp giáo dục từ dạy tới năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học… trong nhà trường và DN, các công cụ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Đây cũng là đại diện chính thức của nhiều tổ chức hàng đầu thế giới liên quan lĩnh vực giáo dục.
Tổng cục Thuế lập tổ điều tra
Trả lời P.V hôm qua, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết cơ quan này vẫn đang nắm bắt, theo dõi các tài liệu vụ “Hồ sơ Panama”. Nhận định về việc có nhiều tên tuổi cá nhân, địa chỉ từ Việt Nam, ông Đạt cho rằng: "Nguồn này có chính xác hay không, mức độ chính xác đến đâu cần phải điều tra mới có thể làm rõ. Phải phối hợp với quốc tế thì mới thực hiện được chứ không thể tin ngay các tài liệu đó và cũng không thể đơn phương làm được”. Ông Đạt cho biết đang chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp T.Ư vì để vào cuộc vụ việc này phải phối hợp với rất nhiều lực lượng, nếu chỉ riêng Cục Chống tham nhũng thì “không thể làm nổi”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai hôm qua xác nhận cơ quan này cũng đã nhóm họp và giao đầu mối chủ trì cho Tổng cục Thuế điều tra. Bà Mai lưu ý, để có thông tin chính xác nhất Tổng cục Thuế cần thời gian điều tra, đánh giá. Tạm thời trước mắt, Bộ chưa thể đưa ra quan điểm các cá nhân trên có trốn thuế hay không. “Chúng ta cần thêm thời gian để đưa ra quan điểm rõ ràng, chính xác”, bà Mai nói.
Đến cuối chiều qua, sau cuộc họp khẩn, Tổng cục Thuế đã quyết định lập một tổ công tác điều tra về nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong “Hồ sơ Panama”. Cuộc họp với sự tham gia của nhiều vụ, cục chức năng đi đến thống nhất sẽ giao cho Thanh tra Tổng cục Thuế làm đầu mối. Theo nguồn tin riêng của PV, động thái đầu tiên tổ công tác sẽ thu thập thông tin, dữ liệu, hồ sơ và đánh giá, phân tích xem có dấu hiệu trốn thuế hay không đối với các tổ chức, cá nhân bị nêu tên. Cơ quan thuế sẽ truy soát lại xem các cá nhân trên có đăng ký đầy đủ mã số thuế tại Việt Nam hay không. Từ đó, làm rõ các mối quan hệ, giao dịch liên kết giữa các cá nhân, tổ chức này với các DN, tổ chức ở các thiên đường thuế. Trên cơ sở đó, đối chiếu với chính sách pháp luật Việt Nam, tổ sẽ đánh giá mức độ trốn thuế hay không.
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, khẳng định hồ sơ vừa được công bố chỉ là những thông tin ban đầu, cần có xác minh rõ ràng. Đây là vụ việc không chỉ riêng của ngành thuế mà cần sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan, thậm chí cả cơ quan quốc tế.
Cần nhìn nhận thận trọng Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, về nguyên tắc Hồ sơ Panama chỉ nói những người nào có lập công ty ở nước ngoài và có giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng không thể hiện được giao dịch chuyển tiền đó có hợp pháp hay không hợp pháp. “Với hồ sơ này, tôi nghĩ là quả bóng đang ở trên sân của các cơ quan điều tra và phải vào cuộc, chứ không nên cho đây là câu chuyện của những người tò mò. Đáng chú ý có một số địa chỉ xuất hiện trong danh sách không phải là địa chỉ của những người kinh doanh. Tuy nhiên, cụ thể vấn đề như thế nào liên quan đến danh sách này cần phải nhìn nhận một cách thận trọng”, ông Doanh phát biểu. |
(Theo Báo Thanh Niên)