Giá hồ tiêu tăng cao liên tục trong nửa tháng qua nên cả nông dân và các đại lý đều lo “ôm hàng”, không bán ra. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vì thế không mua được tiêu để xuất khẩu theo hợp đồng đã ký, phải tìm cách thương lượng với đối tác hoặc chấp nhận bồi thường hợp đồng.
“Sốt giá” hồ tiêu
Ngày 14-3, giá hồ tiêu tại các tỉnh Tây nguyên và vùng Đông Nam bộ tiếp tục đà tăng và giao động từ 68.500 – 72.500 đồng/kg. Đây là giá đầu giá, tức là giá cơ sở, công bố trên các sàn thương mại. Trên thực tế, giá thu mua tiêu cho nông dân sẽ gồm giá đầu giá cộng thêm 10 - 12% thưởng cho chất lượng tiêu như độ chắc hạt, độ ẩm…
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 70.500 đồng/kg, tăng 9.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 5 ngày (giá đầu giá). Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu hôm 14-3 ở mức 72.500 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 5 ngày.
Như vậy, chỉ trong nửa tháng qua, giá tiêu đã tăng gần 20.000 đồng/kg và đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Nhiều nông dân trồng tiêu cho rằng, giá tiêu sẽ còn tăng cao do sản lượng tiêu năm nay rất hạn chế, nông dân không thu hoạch được nhiều trong khi nhu cầu thị trường vẫn rất lớn.
Giá tiêu tăng cao trong khi nhiều doanh nghiệp không mua được hàng, đang phải đối mặt nguy cơ "vỡ hợp đồng". Ảnh: Nam Bình.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nhận định rằng, theo quy luật thị trường, năm nay giá tiêu tăng cao cũng là một điều dễ hiểu.
Theo đó, những năm qua, giá tiêu liên tục giảm sâu, có lúc giảm xuống mức chạm “đáy”, dưới 40.000 đồng/kg, khiến bà con trồng tiêu thua lỗ nhiều, không còn khả năng để tái đầu tư cho vườn tiêu. Hậu quả là năm nay, nhiều vườn tiêu xơ xác, chết dây hoặc còn duy trì thì không đậu quả, năng suất thấp.
Chính vì vậy giá hồ tiêu đã tăng cao ngay giữa mùa thu hoạch. Nông dân nhiều nơi sau khi hái đã giữ sản phẩm lại để chờ giá tăng thêm. Các đại lý thu mua cũng đang cố gắng ôm hàng, nếu có bán cũng chỉ bán qua lại giữa các đại lý chứ không đến tay doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo ông Bính, quý I-2019 Việt Nam xuất khẩu 72.000 tấn tiêu, đến quý I-2020, Việt Nam xuất khẩu được 80.000 tấn tiêu. Trong khi trong hai tháng đầu năm 2021, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được 29.000 tấn tiêu. Câu hỏi đặt ra là trong tháng 3 năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu được bao nhiêu tiêu.
“Đây là câu hỏi rất khó trả lời vì hiện nay, nhiều doanh nghiệp không mua được hàng”, ông Bính nói.
Doanh nghiệp lo vỡ hợp đồng
Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tiêu tại TPHCM cũng thông tin, giá tiêu tăng cao nhưng không doanh nghiệp không mua được hàng, vì cả người dân và đại lý đều không muốn bán ra.
Vì tiêu chỉ nằm trong tay giới đầu cơ nên nhiều doanh nghiệp hiện đứng trước nguy cơ vỡ hợp đồng, không có hàng để giao cho đối tác.
Trước tình hình trên, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã có cuộc họp với các doanh nghiệp thành viên để tìm ra nguyên nhân và phương án giải quyết.
Theo VPA, mùa vụ thu hoạch hồ tiêu vụ năm 2021 muộn hơn các năm trước do ảnh hưởng của thời tiết. Đến nay cả nước thu hoạch bình quân khoảng 30-40%, phải đợi cuối tháng 4-2021 mới cơ bản mới thu hoạch xong. Do đó, sản lượng hồ tiêu trên thị trường chưa nhiều.
VPA cũng cho rằng, giá hồ tiêu tăng cao bất thường như hiện nay ngoài các yếu tố khách quan còn có yếu tố bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa. Việc tăng nóng này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu mua và thực hiện hợp đồng với đối tác.
Nông dân thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Nam Bình.
Hiện một số nhà xuất khẩu của Việt Nam đã phải mua hàng Brazil trực tiếp từ các nhà xuất khẩu Brazil hoặc từ các nhà xuất nhập khẩu Dubai do giá hồ tiêu Brazil khá rẻ so với Việt Nam.
Trước tình hình biến động của giá hồ tiêu, VPA cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro biến động giá hoặc không đủ hàng để giao.
Đối với những hợp đồng đã ký, doanh nghiệp nên điều tiết tiến độ mua hàng. Tùy mỗi doanh nghiệp có thể đưa ra đề nghị và hướng xử lý với khách hàng như thương lượng lại về thời gian giao hàng hoặc yêu cầu mua thị trường khác thay thế. Thậm chí, trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp cũng phải chấp nhận thương lượng để bồi thường hợp đồng.
Đối với các địa phương và người nông dân, VPA cho rằng, cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm để đạt hiệu quả cao nhất. Các đại lý cũng không nên vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống.