Hồ Tịnh Tâm là một loại hình biệt cung ngự viên, hồ Tịnh Tâm từng được vua Minh Mạng làm thơ ca ngợi 10 bài liền với tiêu đề “Bắc Hồ thập cảnh”.
Hồ Tịnh Tâm là một loại hình biệt cung ngự viên, được các vua đầu triều nhà Nguyễn cho xây dựng và hoàn thiện. Vốn là khu thượng uyển nổi tiếng hàng đầu của vương triều Nguyễn, hồ Tịnh Tâm từng được vua Minh Mạng làm thơ ca ngợi 10 bài liền với tiêu đề “Bắc Hồ thập cảnh”.
Du lịch Huế được biết đến là thành phố của xứ sở nhà vườn, của thơ đó không chỉ gói gọn trong những ngôi nhà rường cổ kính với hệ thống cây xanh, hòn non bộ, bức bình phong với nhiều tầng ý nghĩa; trên con đường phượng bay với những ký ức của “mưa hồng”, “diễm xưa’… đầy thơ mộng… Để tạo nên diện mạo chung đặc biệt này, trong mỗi công trình kiến trúc cổ của Huế đều thể hiện rõ nét vẻ đẹp này, và Hồ Tịnh Tâm là một thắng cảnh tiêu biểu, toàn diện như khái niệm đã đề cập ở trên.
Hồ Tịnh Tâm – Dấu xưa
Dưới thời vua Thiệu Trị, Hồ Tịnh Tâm là một ngự viên nổi tiếng được vua xếp thứ ba trong số 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh.
Hồ Tịnh Tâm – Bức tranh Tịnh Hồ Hạ Hứng
Tịnh Hồ Hạ Hứng – Bức tranh về hồ Tịnh Tâm, được đặt tại Trường Lang Tử Cấm Thành- Đại Nội Huế cùng với 19 cảnh đẹp còn lại của Cố đô.
Hồ Tịnh Tâm (hay Tĩnh Tâm), là một ngự viên (ngự uyển) bên ngoài Hoàng Thành, từng được người Pháp gọi là Parc-sans-Souci (nghĩa là công viên thanh tịnh) nhưng người Huế vẫn thường gọi tên là hồ Tịnh Tâm.
Vào thế kỷ XIX, hồ này thuộc địa phận phường Liêm Năng của kinh thành. Thời gian sau đó, khu vực này được đổi tên thành phường Trung Hậu, rồi khóm Trung Hậu, khu phố Thuận Thành (hay còn gọi là Quận Nhất thuộc thị xã Huế dưới chế độ cũ). Sau giải phóng, địa bàn hồ Tịnh Tâm được phân bố theo hai đơn vị hành chính khác nhau. Phần phía Bắc đê Kim Oanh (chạy ngang qua giữa hồ) thuộc địa phận quản lý của phường Thuận Lộc, phần phía Nam của con đê này lại thuộc địa phận quản lý của phường Thuận Thành.
Hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1500m (354 trượng 6 thước). Trục chính của tổng thể kiến trúc hồ Tịnh Tâm quay mặt về hướng Nam – hướng truyền thống của kiến trúc Cung đình Huế
Hồ Ký Tế có dạng hình vuông với hai hòn đảo nhỏ dùng đề chứa diêm tiêu (ở đảo phía Nam) và hỏa dược (ở đảo phía Bắc) với mục đích dễ hiểu là ngăn chặn hỏa hoạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Lúc vua Minh Mạng lên nối ngôi, ông tiếp tục cho quy hoạch kinh thành Huế một cách hoàn thiện hơn dựa trên những đường nét cơ bản mà triều đình Gia Long đã hoạch định.
Ông chia hồ Ký Tế ra làm đôi: một bên là hồ Học Hải – nơi sẽ thiết lập Tàng Thư Lâu, còn một bên là hồ Tịnh Tâm – nơi dành cho “đấng thiên tử” cùng hoàng thân quốc thích tiêu dao thưởng ngoạn và tĩnh dưỡng tinh thần. Vua Minh Mạng lại cho đắp đê Kim Oanh băng ngang qua giữa hồ và tiến hành sửa sang, tôn tạo khu vực này.
Năm 1838, dưới sự chỉ huy của đô đốc hữu quân Nguyễn Tăng Minh và Tham tri bộ hộ Đào Trí Phú, cả lực lượng 8.000 binh lính dốc sức xây dựng hồ Tịnh Tâm thành một công trình to lớn nhất và xinh đẹp nhất so với tất cả các ngự viên ở đế đô nói riêng, toàn quốc nói chung.
Trong quá trình cải tạo ao Ký Tế thành nơi tiêu khiển của hoàng đế thì hai kho hỏa dược và diêm tiêu được chuyển sang một hòn đảo nhỏ nằm ở phía nam của hồ Học Hải, và hai gò đất trong ao Ký Tế được đắp thêm hai hòn đảo là Bồng Lai và Phương Trượng, phía tây của đảo Bồng Lai chính là đảo Doanh Châu.
Ngoài ra, trong cuốn “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” của nội các triều Nguyễn (Nxb Thuận Hóa, tập XIII, 1993) cho biết: “Minh Mạng thứ 19, dỡ nhà Di Lý và lầu Vọng Hồ (ở cung Trường Ninh) đưa ra hồ Tịnh Tâm gọi là lầu Trường Luyện và nhà tạ Thanh Tâm…”, đồng thời cho xây mới nhiều công trình liên kết tạo nên diện mạo hoàn chỉnh, liên hoàn, khăng khít và đăng đối cho hồ Tịnh Tâm.
Hồ Tịnh Tâm – Sơ đồ biệt cung Tịnh Tâm
Hồ Tịnh Tâm – vườn ngự uyển đẹp bậc nhất hoàng gia
Hồ Tịnh Tâm ngay từ ban đầu đã mang vẻ đẹp khiến bao người say mê và ca tụng. Trong cuốn hồi ký nổi tiếng Souvenir de Hué, Michel Đức Chaigneau trong một lần được bệ kiến vua Minh Mạng ở hồ Tịnh Tâm vào năm 1825 – 1826 có ghi rõ: “Gần kho vàng ở góc thành là hồ Tịnh Tâm, gồm một ngôi đình xinh xắn nằm giữa một cái hồ nhỏ bé, trên một hòn đảo lởm chởm những đá nhân tạo xen lẫn với các thứ cây nhỏ, cây leo và hoa. Đình có kích thước nhỏ hơn các lâu đài thông thường, nhưng sự cân xứng của nó thì mỹ lệ hơn, phần trên của mái được xây bằng gạch với những hình nổi phủ sơn, hai đầu và bốn góc đều được nâng cao. Các vật trang hoàng bên trong hồ tuy lộng lẫy nhưng rất giản dị. Một bức tường gạch bao quanh và che khuất nơi giải trí này khỏi những sự nhìn ngắm tò mò, và dành cho xung quanh hồ một lối đi rộng rãi, được tô điểm thêm bằng những bồn hoa ở hai bên này và các luống đất với những cây lúp xúp chen lẫn giữa đá ở bên kia. Đất của các bồn hoa và các luống này được giữ lại nhờ những đường viền bằng gạch được xây cao làm nổi bật các họa đồ. Một cầu gỗ bắc ngang trên hồ dẫn đến ngôi đình ấy, nơi nhà vua thường cho phép những cuộc bệ kiến riêng sau giấc ngủ dài…”.
Hồ Tịnh Tâm – Một góc Tịnh Tâm nhìn vào đảo Bồng Lai
Hồ Tịnh Tâm – Một góc Tịnh Tâm nhìn vào đảo Bồng Lai
Về kiến trúc, trong “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn (Bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, tập XX, 1968) có viết: “Gò đất phía nam gọi là đảo Bồng Lai, dựng điện Bồng Doanh, đài Thanh Tâm, lầu Trừng Luyện, gò phía bắc gọi là đảo Phương Trượng, dựng các Nam Huân, lầu Tĩnh Tâm, nhà Thiên Nhiên, hiên Dưỡng Tính, xung quanh hồ xây tường gạch. Làm 4 cửa: Phía nam gọi là Hạ Huân, phía bắc gọi là Đông Hy, phía đông gọi là Xuân Quang, phía tây gọi là Thu Nguyệt, đắp ngang một con đê là cầu Bạch Tần, phía nam đình ấy bắc cầu Hồng Cừ, suốt đến điện Bồng Doanh, phía bắc bắc cầu Bích Tảo, suốt đến các Nam Huân, cầu đều làm nóc ở trên, phía tây nam cầu Bạch Tần làm cái nhà vòng quanh. Lại ở phía tây đảo Bồng Lai, đắp lên đảo Doanh Châu, cùng với đảo Bồng Lai, Phương trượng gọi là 3 đảo giữa hồ, bờ phía đông hồ ấy xây một cống nước thông với ao Học Hải”.
Hồ Tịnh Tâm – diện mạo “bồng lai tam đảo”
Hồ Tịnh Tâm vừa là một di tích kiến trúc, vừa là một danh lam thắng cảnh. Nói đúng hơn, đây là cả một tổng thể kiến trúc cung đình gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật khác nhau, được phân bố giữa một quang cảnh thiên nhiên có sẵn và được bàn tay con người cải tạo, xây đắp nên, tạo nên một công trình kiến trúc hòa điệu cùng thiên nhiên đến mức hoàn chỉnh và đăng đối.
Khi quy hoạch lại mặt bằng ao Ký Tế thành hồ Tịnh Tâm, các nhà kiến trúc xưa đã thể hiện chữ Tâm (心) với đường cong của nét chính là mặt hồ và ba chấm là ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu nổi bật giữa mặt nước. vẻ đẹp của ba hòn đảo này thể hiện khát vọng về thế giới cõi tiên, vô ưu, hữu hạn. Tuy nhiên, con người không ai thoát được cuộc đời hữu hạn, đầy ràng buộc và phiền toái, vì thế cảnh quan Tịnh Tâm bao hàm những yếu tố, những chất xúc tác để lòng dục vọng của con người lắng xuống, tâm con người ngược lại thanh khiết và thăng hoa hơn. Ý nghĩa đầy tính triết lý này cũng chính là ý nghĩa của hình ảnh “bồng lai tam đảo”.
Hồ Tịnh Tâm – Nét thanh tịnh bên hồ
Tịnh Tâm không phải một mà là hai hồ nước hình chữ nhật, cái nhỏ kề cái to. Từ trên cao nhìn xuống giống như một bức tranh “siêu thư pháp” viết giữa thiên nhiên một đại tự Minh (明). Vì vậy, bốn cổng trổ ra bốn hướng đều mang tên ánh sang và gió mát: Xuân Quang, Hạ Huân, thu Nguyệt và Đông Hy. Cùng với đó, mặt hồ sẽ là một thấu kính hội tụ ánh sang tự nhiên từ trời cao và bốn phương tám hướng lại. Ánh sáng của mặt hồ sẽ chuyển sang màu xanh dịu mát dưới nắng hè, hòa quyện cùng các loài cây thanh cảnh nhưng cao sang, quý phái, phần tự nhiên, phần do con người trồng và tô vẽ nên trên các bờ quyết, bức tường như mai, lan, cúc, trúc, và nhất là sen hồ Tịnh tạo nên sự hài hòa đến kỳ cùng.
Hồ Tịnh Tâm – dĩ vãng vàng son, chỗ còn chỗ mất…
Người Huế đến nay vẫn còn truyền miệng câu ca dao: “Hồ Tịnh Tâm nhiều sen bách diệp – Đất Hương Cần quýt ngọt, cam thơm” để nói về sự trân quý của địa danh gắn liền cùng sản vật. Sen bách diệp là loại sen có nhiều cánh nhỏ màu hồng, được tôn vinh là giống sen quý nhất trong tất cả các loài sen. Đã thế, ngoài vẻ đẹp, chất lượng sen Tịnh Tâm cũng vượt trội hơn so với những vùng khác dẫu là cùng chủng loại bởi sen được mọc trên vùng đất quý mà xưa chỉ có bậc đế vương mới được thưởng ngoạn, tạo nên thương hiệu riêng có đại diện cho xứ Huế – Cố đô.
Tuy nhiên, bây giờ hồ Tịnh Tâm chỉ còn lại loài sen hồng và sen trắng mà thôi, thậm chí mấy năm gần đây do không được chăm sóc cẩn thận, một phần hồ sen đã bị rau muống và cỏ dại chen vào, làm mất đi hình ảnh trang nghiêm mà hữu tình của danh thắng.
Trong những lần đến thưởng cảnh tại hồ Tịnh Tâm xưa, vua Minh Mạng đã làm rất nhiều bài thơ ca ngợi phong cảnh tươi đẹp của hồ. Trong số đó có mười bài thơ mang tên là “Bắc hồ thập cảnh” đã được in trong “Ngự Chế Thi” của vua Minh Mạng và được đông đảo mọi người biết đến.
Đặc biệt hơn, vua Thiệu Trị sau khi lên nối ngôi, đã mượn mười đầu đề nói trên của vua cha (Minh Mạng) để họa thành mười bài thơ khác về Hồ Tịnh Tâm. Những bài thơ này được tập hợp lại trong tác phẩm “Ngự Đề đồ hội thi tập” (phân danh thắng) của vua. Mười cảnh đẹp của tịnh tâm mà vua Thiệu trị làm được minh họa bằng mười bức tranh khắc gỗ do Nội Các vẽ vào năm 1844. Về sau, mười bức tranh đó lại được vẽ cách điệu trên gương, đóng khung gỗ chạm trổ thếp vàng, khoảng trên khung có lồng tấm gương ghi bài thơ của vua bằng chữ vàng treo ở Đại Nội. Ở trên mỗi bức tranh lại tả một cảnh ở trên hồ, nên thơ, trữ tình và không biết từ bao giờ đã trở thành nguồn mạch bất tận của thi ca trong nhiều thế hệ.
Nguồn: Tổng hợp.