Hội thảo với chủ đề “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa – trường hợp của ngành xuất khẩu gỗ” do VCCI tổ chức gợi mở một chủ đề rất thời sự.
Bởi tận dụng không gian chính sách còn lại để hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước là điều không chỉ các doanh nghiệp đang mong đợi mà ngay các Chính phủ cũng cố gắng nỗ lực.
Với hàng loạt ràng buộc của các hiệp định thương mại tự do từ WTO, FTA truyền thống, FTA thế hệ mới, cánh cửa hỗ trợ cho các ngành sản xuất trong nước ngày càng hẹp lại. Ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Công ty TNHH gỗ Hố Nai, Đồng Nai.
XK gỗ đối mặt với rủi ro
Mục tiêu xuất khẩu gỗ đến năm 2020 đã về đích trước 5 năm. Nếu như năm 2004, ngành xuất khẩu bắt đầu tham gia câu lạc bộ những ngành có kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, thì đến năm 2015 kim ngạch của ngành này đã đạt 6,9 tỷ USD. Toàn ngành có 3.900 doanh nghiệp, 340 làng nghề và thu hút tới 300.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh. Không chỉ có vậy, đây cũng là ngành tạo đầu ra cho sản xuất lâm nghiệp, nơi sử dụng hơn 1 triệu lao động trồng rừng.
Tuy vậy, xuất khẩu gỗ lại đang đối mặt với rất nhiều rủi ro. Ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia về thương mại gỗ thuộc Tổ chức Forest Trends cho biết, xuất khẩu gỗ đang gặp phải 4 rủi ro chính: rủi ro liên quan tới khả năng đáp ứng yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu; rủi ro xuất phát từ việc thiếu hệ thống kiểm soát chuỗi cung; rủi ro trong bảo đảm tuân thủ pháp luật về lao động; rủi ro do thiếu hiểu biết về quy định của các thị trường xuất khẩu.
Cả 4 rủi ro trên có thể gói gọn trong việc doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần hiểu các chính sách của quốc gia đối tác. Theo các chuyên gia, thị trường đầu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần quan tâm đó là Mỹ. Đây là thị truờng tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của VN với 2,64 tỉ USD kim ngạch năm 2015 (chiếm 38%/tổng kim ngạch xuất khẩu).
Ở Mỹ, Đạo luật Lacey, có hiệu lực 2008 quy định, việc buôn bán các sản phẩm gỗ đuợc khai thác, vận chuyển hoặc thương mại trái phép tại quốc gia xuất khẩu và tại Hoa Kỳ được coi là hoạt động phạm pháp. Cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phải chịu phạt tiền hoặc tù tùy theo mức độ vi phạm. Đạo luật này đòi hỏi tăng cường trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp khai báo tên và nguồn gốc xuất xứ gỗ.
Dùng chính sách để giảm thiểu rủi ro
Theo ông Tô Xuân Phúc, Nhà nước có thể bắt đầu bằng việc ban hành các chính sách giúp doanh nghiệp hạn chế các rủi ro nói trên. Bởi vì, đây là những hỗ trợ không mang lại lợi ích trực tiếp liên quan đến tài chính của doanh nghiệp. Nhà nước có thể giúp thiết lập cơ chế kiểm tra tính hợp pháp nguồn gốc gỗ theo yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu và phải miễn phí thực hiện cho doanh nghiệp. Một hệ thống kiểm soát chuỗi cung hiệu quả cần được xây dựng, nhà nước có thể hỗ trợ một phần chi phí cho doanh nghiệp để xây dựng chứng chỉ cam kết chất lượng…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốcTrung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, với những quy định khá ngặt nghèo để hạn chế các Chính phủ bảo hộ sản xuất trong nước của các hiệp định thương mại tự do, Chính phủ Việt Nam cần phải tận dụng tối đa các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp, đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp cần phải lên tiếng từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của mình gặp khó khăn gì? Qua đó, Nhà nước mới biết mà đáp ứng.
Tuy nhiên, bà Trang cho rằng, nhà nước vẫn có thể có biện pháp hỗ trợ mang tính chung cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, hỗ trợ các chủ thể kinh doanh nhỏ. Các biện pháp hỗ như dưới các hình thức nghiên cứu, đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng… Đây là các biện pháp trợ cấp không mang tính cá biệt, không hướng tới một nhóm doanh nghiệp cụ thể riêng biệt nào. Những biện pháp hỗ trợ này sẽ không vi phạm các cam kết tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Bá Tú / DĐDN