Đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng cũng là “phép thử” để nông sản Việt chuyển hướng, gia tăng sản phẩm chế biến, chủ động tìm kiếm thị trường mới…
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong ảnh: Xe chờ thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Đ.T
Tăng chế biến, kết hợp tìm kiếm thị trường
Dưa hấu, thanh long, mít, sầu riêng là những nông sản đang chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19, do xuất khẩu sang Trung Quốc bị đình trệ. Đơn cử, thanh long ở Long An đang vào vụ thu hái, nhưng do tiêu thụ khó khăn, nên đang tồn khoảng 30.000 tấn.
Ông Trương Quang An, Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu chia sẻ, Hợp tác xã đang cùng nông dân tìm kiếm các đầu mối doanh nghiệp thu mua để bảo quản và chế biến thành phẩm; đồng thời, tìm hướng xuất khẩu sang các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar…
Một trong những doanh nghiệp đã rất nỗ lực chung tay hỗ trợ bà con nông dân trong thời gian qua là Công ty CP Lavifood. Theo ông Đặng Ngọc Cẩn, Tổng giám đốc Lavifood, trong bối cảnh khó khăn chung, đồng hành cùng bà con nông dân, Công ty đã và đang mở rộng thu mua, chế biến thanh long thành những sản phẩm đa dạng, chất lượng như nước ép, sấy khô, sấy dẻo, đông lạnh…
“Hiện tại, chúng tôi có 2 nhà máy đã đi vào hoạt động là Nhà máy Lavifood Long An (mỗi năm có thể cung ứng hơn 10.000 tấn thành phẩm ra thị trường) và Nhà máy Tanifood Tây Ninh (công suất 60.000 tấn thành phẩm/năm). Nếu hoạt động hết công suất, các nhà máy có thể xử lý hơn 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày”, ông Cẩn nói.
Tuy nhiên, để làm được điều này, Lavifood phải thay đổi kế hoạch kinh doanh của năm 2020 và đối mặt với nhiều thách thức về nguồn vốn, nhân công, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ. Để giải quyết khó khăn, Công ty cũng đang lên kế hoạch gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…
Tương tự Lavifoods, Công ty CP Nafoods Group cũng đang tiêu thụ khoảng 200 tấn thanh long mỗi ngày cho nông dân tỉnh Long An. Ông Ryan W.Galloway, Giám đốc kinh doanh Nafoods Group cho biết, cơ cấu thị trường của Nafoods đã chuyển dịch theo hướng tích cực hơn.
Năm 2019, thị trường trong nước tăng đáng kể trong cơ cấu doanh thu của Nafoods với 44% (năm 2017 chỉ là 30%). Với mục tiêu đa dạng hóa thị trường, ngoài Trung Quốc, châu Âu, Nafoods đã ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác với các đối tác đến từ những thị trường lớn và tiềm năng như Nga, Australia, Ấn Độ, Trung Đông...
Cũng theo ông Ryan, Nafoods đang đẩy mạnh xuất khẩu vào châu Âu với sản lượng hàng chục tấn sản phẩm/tuần thông qua đường hàng không. Bên cạnh đó, Công ty đã thử nghiệm xuất khẩu chanh leo bằng đường biển, thời gian đi tàu từ TP.HCM đến cảng Rotterdam (Hà Lan) khoảng 21 - 25 ngày. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Nafoods kỳ vọng, tiếp theo đó, chanh leo tươi của Việt Nam sẽ sớm có mặt tại các siêu thị ở Mỹ.
Thiết lập hệ thống tham tán thương mại nông nghiệp
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Để công tác mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản được căn cơ, hệ thống tham tán riêng về nông nghiệp đang được thí điểm thiết lập tại các Đại sứ quán Việt Nam ở nhiều quốc gia”.
Trước đây, tại các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các tham tán được bố trí để thực hiện nhiệm vụ giải quyết các vấn đề chung về thương mại. Nay, Chính phủ cho phép ngành nông nghiệp thí điểm cử tham tán thương mại riêng về lĩnh vực nông nghiệp, nhằm nắm bắt thông tin, gỡ vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, tạo dư địa cho việc mở cửa thị trường, chứ không đơn thuần chỉ là tháo gỡ rào cản kỹ thuật.
“Đến thời điểm này, Việt Nam đã có tham tán thương mại nông nghiệp tại Mỹ và EU. Đây là những bước thực thi Đề án Thí điểm thiết lập hệ thống tham tán nông nghiệp được Chính phủ chỉ đạo”, ông Toản nói.
Mặt khác, trong năm 2020, khi dịch bệnh được đẩy lùi, hoạt động thông quan hàng hóa trở lại bình thường, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc để đảm bảo thị phần ở thị trường này như: tham gia Hội chợ Nông sản quốc tế Việt - Trung; phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Trung về hợp tác tiêu thụ chè, cà phê; tổ chức Lễ Xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc…
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã thành lập 4 tổ thị trường theo vùng địa lý, gồm: Tổ Thị trường Đông Á (theo dõi Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN); Tổ Thị trường Trung Quốc; Tổ Thị trường châu Mỹ; Tổ Thị trường EU. Tại thị trường châu Mỹ, trong năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Brazil về hợp tác tiêu thụ nông, thủy sản; tổ chức đoàn công tác làm việc tại các bang của Mỹ để tìm kiếm khả năng ký kết thương mại. Tại thị trường châu Âu, Bộ sẽ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Liên bang Nga… |
Theo Thu Phương / baodautu.vn
Nguồn:https://baodautu.vn/ho-tro-mo-rong-thi-truong-nong-san-viet-d116125.html