Chỉ riêng năm 2016, tổng giá trị nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 200 triệu USD so với năm 2015, lên mức 1,8 tỷ USD.
Trung bình mỗi ngày Việt Nam phải chi hơn 112 tỷ đồng để nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa từ Trung Quốc đạt tổng trị giá 49,929 tỷ USD, tăng 431 triệu USD so với năm 2015. Trong đó, đặc biệt phải kể đến nhóm hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất chiếm đến 1,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2015 ( 1,6 tỷ USD).
Cụ thể, trong tổng số hơn 6,9 tỷ USD Việt Nam chi để nhập khẩu hoá chất và các sản phẩm hoá chất từ các nước đã có một nửa số này, tương đương 3,2 tỷ USD cho nhập nguyên liệu hóa chất để điều chế các hoạt chất khác. Điều đáng nói, thị trường nhập khẩu hoá chất của Việt Nam chủ yếu là từ Trung Quốc.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng hóa chất và sản phẩm hóa chất nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm vừa qua đã đạt trị giá 1,8 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước. Trong đó, riêng hóa chất nhập để điều chế các hợp chất khác đạt 1,02 tỷ USD.
Như vậy, trung bình mỗi ngày Việt Nam phải bỏ ra hơn 112 tỷ đồng để nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc.
Đáng lưu ý hơn, Việt Nam không chỉ có riêng thị trường Trung Quốc để nhập khẩu nhóm hàng hóa chất, còn có các thị trường khác như Ấn Độ, Mỹ, Canada, Israel hay Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, thống kê từ Tổng cục Hải quan lại cho thấy, kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường nay suốt năm 2016 chỉ đạt mức 145 triệu- 300 triệu USD/thị trường, thấp hơn rất nhiều so với thị trường Trung Quốc.
Lý giải nguyên nhân về thực trạng này, Tổng cục Hải quan cho rằng, do giá thành các sản phẩm hóa chất từ Trung Quốc có giá cạnh tranh hơn so với các nước công nghiệp phát triển khác, bên cạnh đó việc vận chuyển về Việt Nam cũng dễ dàng hơn nhiều qua các kênh đường sắt và đường bộ.
Ngoài ra, việc các thương gia trong nước có sẵn các mối quan hệ làm ăn ở các lĩnh vực liên quan với các thương gia Trung Quốc cũng dẫn tới việc lượng nhập khẩu hóa chất từ thị trường này cao vọt. Hiện nay, có nhiều các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc đang đầu tư vào các nhà máy tại Việt Nam trong ngành dệt, sợi, nhuộm, dẫn tới việc họ sẽ nhập khẩu lượng lớn hóa chất để tẩy rửa vải sợi mà không có lý do gì họ lại không nhập khẩu từ chính đất nước mình.
Bên cạnh đó, cũng theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhóm hàng hóa chất nhập khẩu từ Trung Quốc năm vừa qua tăng cao còn do việc nhập khẩu hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng mạnh. Cụ thể với các loại hóa chất để sản xuất thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ.
Riêng năm 2016, Việt Nam đã nhập hơn 350 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu từ Trung Quốc chiếm trên 50% kim ngạch mặt hàng này. Tương tự với mặt hàng phân bón đạt 1,9 triệu tấn, kim ngạch gần 500 triệu USD, như vậy, riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm gần 50% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng phân bón.
Biểu đồ về trị giá nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất từ Trung Quốc so với tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu (từng nhóm) của cả nước năm 2016, đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.
Ngoài nhóm hàng hóa chất, Việt Nam có tới 10 nhóm hàng đang nhập khẩu từ Trung Quốc đạt trị giá kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Cụ thể là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 9,275 tỷ USD, chiếm gần 33% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước, bỏ xa 2 thị trường lớn tiếp theo là Hàn Quốc (đạt 5,837 tỷ USD); Nhật Bản (đạt 4,165 tỷ USD).
Một số nhóm hàng lớn khác nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc có thể kể đến như: Vải các loại đạt 5,447 tỷ USD, chiếm gần 52% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước; sắt thép chiếm gần 59,1% về lượng (đạt 10,85 triệu tấn) và hơn 55,5% về trị giá (đạt 4,451 tỷ USD).
Thanh Hà / DĐDN