Từ năm 1989 - khi bắt đầu có dự án FDI, đến nay đã gần 30 năm, Quảng Ninh đã thu hút được 121 dự án FDI đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 6 tỷ USD, đứng đầu là Hoa Kỳ với trên 50% tổng vốn đầu tư.
Bên trong một nhà máy của doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TL |
Vốn FDI vượt 6 tỷ USD
Nhờ môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục được kỳ vọng trở thành đòn bẩy giúp Quảng Ninh đạt được những mục tiêu kinh tế - xã hội quan trọng trên đường phát triển, trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp vào năm 2020.
Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu phát triển đầu tư, tỉnh đã đề ra chiến lược “trải thảm đón nhà đầu tư”, thu hút mạnh nguồn lực trong và ngoài nước; trong đó, vốn FDI có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Từ năm 1989 - khi bắt đầu có dự án FDI, đến nay đã gần 30 năm, Quảng Ninh đã thu hút được 121 dự án FDI đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 6 tỷ USD. Đứng đầu là Hoa Kỳ với trên 50% tổng vốn đầu tư; tiếp đến là Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc); còn lại các dự án khác được đăng ký bởi các nhà đầu tư đến từ Singapore, Indonesia, Canada, Hàn Quốc...
Theo số liệu đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 112 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,4 tỷ USD. Năm 2016, dù được dự đoán là có rất nhiều khó khăn, nhưng Quảng Ninh vẫn nỗ lực mời gọi đầu tư, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Nhờ đó năm qua, toàn Quảng Ninh đã thu hút được 159,1 triệu USD, bằng 36,5% so với năm trước; doanh thu đạt 1,918 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2015.
Thống kê cũng cho thấy, các chỉ tiêu về kim ngạch xuất nhập khẩu và nộp ngân sách nhà nước đều tăng cao so với năm trước. Cụ thể, nộp ngân sách nhà nước năm 2016 đạt 2.559 tỷ đồng, tăng 37,8%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,998 tỷ USD, tăng 25,1%.
Trong năm 2016 Quảng Ninh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Phát triển Tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực Đầm Nhà Mạc, Thị xã Quảng Yên (315,4 triệu USD) của liên danh Công ty Tập đoàn Quốc tế CDC (Đảo Cayman), Công ty TNHH Tiện ích Trung Đông (Singapore), Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng Á Châu Hồng Kông (Trung Quốc); Nhà máy Sản xuất khăn mặt, khăn tắm cao cấp và các sản phẩm liên quan tại KCN Texhong - Hải Hà (50 triệu USD) của Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam);
Nhà máy nhuộm, dệt may tại KCN Texhong Hải Hà (77,41 triệu USD) của Công ty TNHH Dệt may Bắc Giang Việt Nam; Nhà máy Nhuộm tại KCN Texhong Hải Hà (30 triệu USD) của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật nhuộm Texhong Việt Nam; Khu tổ hợp Nhà xưởng Việt Nam - Nga (24 triệu USD) của Công ty TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Nga Quảng Ninh...
Chuẩn bị tốt nhất đón nhà đầu tư
Hiện, các cơ quan đầu mối của tỉnh đang hướng dẫn một số nhà đầu tư lớn, tiềm năng hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư các dự án mới vào tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đang duy trì liên lạc và tích cực hỗ trợ một số nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án mới trên địa bàn Khu công nghiệp, Khu kinh tế tỉnh.
Theo ông Phạm Hồng Biên, Trưởng Phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và đầu tư), dự kiến năm 2017 vốn đầu tư thu hút của tỉnh khoảng 500-650 triệu USD.
Để đẩy mạnh huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển và thu hút nguồn vốn FDI thời gian tới, tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Hiện một loạt các dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai, dự kiến hệ thống đường cao tốc kết nối Hà Nội - Hải Phòng với Hạ Long, Móng Cái hoàn thành trước năm 2020; Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh hoàn thành năm 2018. Với việc Vân Đồn được Chính phủ lựa chọn là một trong 3 đặc khu kinh tế của cả nước sẽ mở ra cơ hội lớn cho Quảng Ninh...
Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nhằm giải quyết kịp thời những kiến nghị và tháo gỡ khó khăn.
Triển khai các nhiệm vụ và giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, như cải cách thủ tục hành chính; đổi mới công tác tiếp xúc doanh nghiệp theo từng chuyên đề; hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thành lập mô hình vườn ươm doanh nghiệp, Café doanh nhân, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp... Qua đó, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ.
Đồng thời, Quảng Ninh chủ động xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)... để kêu gọi nhà đầu tư rót vốn vào những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ…
Hà Oanh / BizLIVE