Loại bỏ rủi ro về các loài gỗ sử dụng trong thương mại gỗ giữa hai quốc gia là điều tối quan trọng
Hoa Kỳ đã và đang tiếp tục là thị trường quan trọng nhất cho ngành gỗ của Việt Nam cả trên phương diện nguồn cung gỗ nguyên liệu và tiêu thụ gỗ cũng như các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Cơ hội sẽ tiếp tục rộng mở khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thị trường có thặng dư thương mại cao nhất
Phát biểu tại Hội nghị "Ngành công nghiệp chế biến gỗ: Mở rộng cơ hội xuất khẩu (XK)" do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) tổ chức ngày 4/10, ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia trong lĩnh vực thương mại gỗ thuộc Tổ chức Forest Trend cho biết: Cán cân thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa xu thế chung của ngành chế biến gỗ XK với giá trị thặng dư nghiêng về phía Việt Nam. Đặc biệt, mức thặng dư của Việt Nam trong thương mại gỗ với thị trường Hoa Kỳ cao nhất trong số tất cả các thị trường XK, với giá trị kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường này cao gấp khoảng 10 lần so với giá trị kim ngạch nhập khẩu (NK) từ thị trường này. Đến nay, mức thặng dư trong thương mại giữa hai quốc gia tiếp tục gia tăng. Đây là những tín hiệu tích cực, phản ánh rõ nét triển vọng mở rộng nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại Hoa Kỳ trong tương lai.
Cũng theo ông Tô Xuân Phúc, Hoa Kỳ đã và đang tiếp tục là quốc gia quan trọng nhất cho ngành gỗ của Việt Nam cả trên phương diện nguồn cung gỗ nguyên liệu và tiêu thụ gỗ cũng như các sản phẩm gỗ của Việt Nam. Phân tích về khía cạnh này, ông Tô Xuân Phúc cho hay, trong các nguồn cung gỗ cho Việt Nam, Hoa Kỳ là quốc gia cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu lớn và an toàn nhất về mặt pháp lý. Theo đó, lượng gỗ nguyên liệu được NK từ Hoa Kỳ chiếm gần 20% trong tổng lượng gỗ nguyên liệu NK vào Việt Nam. Do có độ an toàn về mặt pháp lý, gỗ nguyên liệu NK từ Hoa Kỳ đáp ứng được yêu cầu của tất cả các thị trường khó tính. Với lý do như vậy, nguồn gỗ nguyên liệu NK từ Hoa Kỳ chủ yếu được đưa vào chế biến và xuất ngược trở lại thị trường này, bên cạnh những thị trường khó tính khác như các nước EU.
Cùng với NK, Hoa Kỳ cũng là thị trường quan trọng nhất cho việc tiêu thụ các mặt hàng gỗ Việt Nam. Hàng năm, kim ngạch XK các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang thị trường này chiếm trên 30% tổng kim ngạch XK các mặt hàng gỗ. Xu hướng XK cho thấy mức kim ngạch vẫn sẽ tiếp tục tăng, trung bình khoảng trên dưới 15%/năm. Đây là những tín hiệu rất mừng cho ngành chế biến gỗ XK, đặc biệt trong bối cảnh kim ngạch XK các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường EU - thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ - có dấu hiệu chững lại, thậm chí sụt giảm tại một số quốc gia thành viên.
Không nên quá lạc quan
Bên cạnh những tín hiệu tích cực cho ngành chế biến gỗ XK vào thị trường Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia cho rằng, dù kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhưng không nên quá lạc quan vì chủ yếu do phía Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng gỗ nội thất từ Trung Quốc, dao động trong khoảng 55-120%, trong khi thuế XK đối với Việt Nam gần như bằng 0%. Nhiều doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đã dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam trong thời gian qua.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, khi TPP có hiệu lực, XK gỗ và sản phẩm gỗ tăng đột biến, gây áp lực tới các DN Hoa Kỳ. Do đó, gỗ Việt Nam sang Hoa Kỳ khả năng cao sẽ bị áp thuế chống bán phá giá như đối với Trung Quốc.
Ở một khía cạnh khác, theo ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), rất nhiều DN Trung Quốc đang đầu tư “chui” thông qua việc mua lại các DN Việt Nam làm ăn thua lỗ hoặc đã phá sản. Thậm chí, họ còn để người Việt Nam đứng tên các công ty này.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vifores cho biết, hiện cả nước có trên 500 DN FDI trong lĩnh vực chế biến gỗ, trong đó các DN Trung Quốc, Đài Loan chiếm khoảng một phần ba. Không những vậy, gần đây, Vifores tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư mới của Trung Quốc có ý định đầu tư vào ngành này nhằm hưởng lợi từ TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Trước thực tế trên, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, dù biết mặt tích cực của dòng vốn FDI là sự dịch chuyển công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm, và theo các cam kết quốc tế thì Việt Nam không được phân biệt đối xử giữa các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, các địa phương nên xem xét thật kỹ các dự án đầu tư, công nghệ mà họ sử dụng có phải là công nghệ tiên tiến nhất hay không, nguồn gỗ mà các DN FDI này sử dụng liệu có phải là gỗ hợp pháp không…. Có như vậy mới có thể giảm được những mặt trái của dòng vốn FDI từ quốc gia láng giềng vào ngành chế biến gỗ.
Theo các chuyên gia, TPP mà Việt Nam và Hoa Kỳ là thành viên tiếp tục mở ra cơ hội hợp tác cho cả hai quốc gia trong thương mại gỗ. Để biến cơ hội thành hiện thực, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng giải quyết những rủi ro trên, đòi hỏi bản thân các DN gỗ trong nước cần phát huy việc duy trì và mở rộng thị trường này. Bên cạnh đó, cần loại bỏ rủi ro về các loài gỗ sử dụng trong thương mại gỗ giữa hai quốc gia, để không những đảm bảo việc duy trì thị trường mà còn góp phần mở rộng nhanh thị trường XK cho Việt Nam trong tương lai.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,4 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng kim ngạch XK gỗ Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2015. |
Thanh Hà / baocongthuong