Sau gần 20 năm hình thành với biết bao vướng mắc về cơ chế được tháo gỡ, Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc đã sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới, đó là phát triển tiềm lực khoa học công nghệ và thu hút đầu tư.
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Chủ tịch Tập đoàn Nidec trao bản ghi nhớ đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc |
Kiến tạo cơ hội mới
Ngày 20/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ–CP thông qua cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc. Nghị định gồm 6 chương, 22 điều, mở ra những cơ hội phát triển mới cho Khu CNC quốc gia này, tạo môi trường đầu tư thuận lợi đồng thời giảm thiểu chi phí đầu tư cho các nhà đầu tư tại đây.
Theo đó, với dự án đầu tư mới tại Khu CNC Hòa Lạc có quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 30 năm. Nghị định cũng cho phép nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài và thành viên gia đình được xem xét cấp thị thực xuất cảnh, nhập cảnh có giá trị sử dụng nhiều lần và thời hạn phù hợp với thời gian làm việc trực tiếp tại đây.
Về chính sách phát triển nhà ở cho người lao động làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc, UBND thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và phát triển nhà ở (bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình nhà ở). Các chính sách ưu đãi đặc biệt này có hiệu lực từ ngày 5/8/2017.
Sẵn sàng bứt phá
Trao đổi với phóng viên về hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù mà Chính phủ vừa thông qua cho Khu CNC Hòa Lạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương cho rằng, Nghị định sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong thực thi pháp luật tại Hòa Lạc từ nhiều năm qua, giải phóng tiềm năng phát triển của Khu CNC Hòa Lạc trong những năm tới.
Cụ thể, Nghị định cho phép Ban quản lý và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong đầu tư, xây dựng, vận hành và quản lý theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” tại Khu CNC Hòa Lạc, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy sản xuất của Tập đoàn VNPT trong chuyến thăm và làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc vào ngày 16/2/2017. |
“Nghị định là văn bản pháp lý mạnh mẽ, khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, xác lập cơ chế để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ cao của Khu CNC Hòa Lạc; đảm bảo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, người lao động đến làm việc và sinh sống tại Khu CNC Hòa Lạc yên tâm công tác và cống hiến”, ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương, tại Khu CNC Hòa Lạc, nhiều trường đại học và viện nghiên cứu với quy mô lớn, theo mô hình tiên tiến được Chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp hỗ trợ đã và đang được triển khai xây dựng. Các dự án của các doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài (như Nissan Techno, Noble,...) và các Tập đoàn lớn trong nước (như VNPT, Viettel, FPT....) đã đi vào hoạt động.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hòa Lạc đón nhận tín hiệu đầu tư tốt khi một loạt các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đến nghiên cứu đầu tư tại đây, tiêu biểu trong số đó là Tập đoàn Nidec, Nhật Bản.
Cụ thể, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam vừa diễn ra (ngày 5/6/2017) tại Nhật Bản, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Chủ tịch Tập đoàn Nidec đã trao bản ký kết ghi nhớ hợp tác chiến lược đầu tư vào Khu CNC Hoà Lạc. Tập đoàn Nidec đề xuất nghiên cứu đầu tư một số dự án sản xuất và nghiên cứu các sản phẩm mô-tơ và bộ dẫn động tiết kiệm năng lượng… với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD tại Khu CNC Hòa Lạc, dự kiến triển khai xây dựng đầu năm 2018.
Phối cảnh Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. |
Ngoài ra, có một loạt các Công ty lớn khác đã và đang thực hiện các thủ tục đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc như Công ty Hanwha Techwin (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư hơn 200 triệu USD để sản xuất các bộ phận và linh kiện của động cơ máy bay và các bộ phận và linh kiện của động cơ gas tuabin công nghiệp cung cấp cho các khách hàng lớn như Rolls Royce, GE, Pratt & Whitney; Công ty Kannametal (Hoa Kỳ), Công ty DT&C (Hàn Quốc),...
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã ký kết Hiệp định vay vốn trị giá 12,8 tỷ Yên Nhật (khoảng 116,5 triệu USD) thuộc tài khóa 2016 cho dự án Phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc. Tiếp đó, trong tuyên bố chung Việt Nam – Nhật Bản, người đứng đầu Chính phủ hai nước cũng nhất trí về việc Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác phát triển dự án Khu CNC Hòa Lạc.
Thành phố công nghệ
Đánh giá về những tác động của Nghị định quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc, ông Horaguchi Hiroshi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Noble Việt Nam cho rằng, cơ chế đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc vừa được Chính phủ Việt Nam ban hành sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới; ươm tạo, đào tạo; chuyển giao, thương mại hóa và phát triển sản phẩm công nghệ cao của các nhà đầu tư. Cơ chế đặc thù góp phần giúp Hòa Lạc đạt đến mục tiêu xây dựng Khu trở thành động lực thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, một thành phố khoa học.
“Việc ban hành cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc là mong mỏi không chỉ của Noble chúng tôi mà của nhiều nhà đầu tư đang hướng đến Hòa Lạc. Tôi tin rằng, với sự ra đời của cơ chế đặc thù, Hòa Lạc sẽ thực sự phát triển đúng với tầm vóc và kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam”, ông Horaguchi nói.
Còn ông Yang Jae Kwan, Tổng giám đốc, Công ty liên doanh y học Việt - Hàn (Vikomed) chia sẻ, có mặt tại Khu CNC Hòa Lạc từ năm 2007, chúng tôi đã có quãng thời gian gắn bó đủ dài để hiểu nhà đầu tư trải qua khó khăn như thế nào và cần gì để phát triển.
Ông Horaguchi Hiroshi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Noble Việt Nam. |
“Chúng tôi mong chờ sự ra đời của cơ chế đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc bởi nó sẽ giải quyết được những vấn đề mà bấy lâu Hòa Lạc đang vướng, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ để thực sự tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất để thu hút các dự án đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ cao”, ông Kwan nói.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc ngày 16/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Khu CNC Hòa Lạc không chỉ đơn thuần là một khu công nghệ mà là một hình mẫu của nền kinh tế Việt Nam thu nhỏ trong tương lai.
Theo ông Phạm Đại Dương, để đảm bảo mục tiêu phát triển đúng định hướng của Khu CNC Hòa Lạc trở thành một thành phố khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc tập trung thu hút những nhà đầu tư đáp ứng các tiêu chí về công nghệ cao theo quy định, có năng lực về tài chính, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, thay vì nỗ lực “lấp đầy”.
“Sự đồng thuận của các Bộ, ngành và địa phương trong việc tạo lập cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc là quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo hành lang pháp lý đầy đủ trong hoạt động của cơ quan quản lý, các nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Hòa Lạc, tạo xung lực cho Hòa Lạc phát triển nhanh, mạnh mẽ bù đắp lại khoảng thời gian nhiều khó khăn trước đây”, Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhấn mạnh.
Hà Quang