Sau thời gian chờ đợi, cuối cùng Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng đã công bố Báo cáo Tài chính Quý II/2016. HAG cũng dự kiến sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông muộn (khoảng tháng 9) với địa điểm tổ chức là phố núi Pleiku xa xôi.
Mỗi ngày ngủ dậy phải trả lãi cả chục tỉ lãi vay, Hoàng Anh Gia Lai sẽ xoay xở thế nào?
Lâu nay, nhà đầu tư vẫn mong cổ phiếu HAG sẽ vụt sáng trở lại. Kể từ khi xuống thấp hơn mệnh giá, về 9.600 đồng ngày 5.1.2016 và trồi sụt vài phiên, cổ phiếu HAG chưa quay trở lại mức cũ. Rõ ràng, cổ phiếu HAG sẽ chưa thể quay trở lại quỹ đạo như trước kia khi Công ty đang còn nhiều khó khăn. Đầu tiên phải nói đến các khoản vay. Từ năm ngoái, HAG đã nợ vượt 30.000 tỉ đồng, hiện đã cán ngưỡng 33.000 tỉ đồng. Trong đó, những khoản nợ ngắn hạn đã gần bằng nợ dài hạn. Theo thông tin từ báo cáo tài chính hợp nhất, chỉ riêng trong quý II/2016, Công ty đã trả cho chi phí lãi vay hơn 500 tỉ đồng. Số tiền này gấp đôi cùng kỳ và lấy đi không ít thành quả kinh doanh đạt được. Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, lãi vay đã lớn hơn lợi nhuận gộp và góp phần không nhỏ vào khoản lỗ của HAG.
Mạnh tay cơ cấu nợ
Giám đốc phân tích ở một công ty chứng khoán tại TP.HCM nhận định, HAG khó tránh được thua lỗ bởi sự phình to về tài sản ở công ty này những năm gần đây, đa phần do vay mượn đầu tư. Theo lý giải từ phía Công ty, HAG lỗ lớn còn do động thái giải quyết các tài sản xấu. Cụ thể, khoản lỗ khoảng 413 tỉ đồng từ thanh lý dự án bất động sản tại TP.HCM và lỗ 530 tỉ đồng do đánh giá lại các tài sản không hiệu quả. Động thái mạnh tay trong xử lý tài sản xấu ở HAG được nhìn nhận là rất quyết liệt.
HAG bắt buộc phải mạnh tay vì trong phương án tái cơ cấu nợ trình lên Chính Phủ phê duyệt, không có ưu đãi cho những khoản nợ ngoài lĩnh vực nông nghiệp. Bởi thế, đối với những khoản nợ như bất động sản, HAG sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng như trên hợp đồng. Tuy nhiên, nhìn trên báo cáo tài chính, giá trị đầu tư lớn nhất của HAG không phải bất động sản mà là cao su. Trồng và chăm sóc cao su, dầu cọ đang chiếm của HAG hơn 13.200 tỉ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tính đến cuối tháng 6.2016. Nghĩa là khoảng 50% vay nợ ngắn hạn dài hạn ở HAG dành cho đầu tư cao su.
HAG đã thực sự dốc sức vào cao su. Bởi thế, công ty này hiện sở hữu hơn 38.400 ha cao su rộng lớn, trải dài từ Việt Nam vươn ra tận Lào và Campuchia. Công ty còn đầu tư hệ thống tưới tiêu bài bản, xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su hoành tráng. Tất cả giúp cao su của HAG có lợi thế cạnh tranh và kỳ vọng bội thu ở mảng này.
Nhưng HAG không gặp may trong kinh doanh cao su. Ở thời điểm giá cao su thế giới đạt mức cao nhất 4.500-5.000 USD/tấn (năm 2011), HAG chỉ mới bước đầu tham gia lĩnh vực này. Đến khi HAG có thể thu hoạch được cao su, giá cao su thế giới lại rớt mạnh. Hiện tại, giá cao su tuy đã tăng hơn thời điểm năm 2015 nhưng vẫn còn chưa đạt tới điểm hòa vốn cho HAG.
Diễn biến giá cao su làm các khoản nợ của HAG thêm nặng. Theo thông tin từ báo cáo tài chính quý II/2016, vẫn còn nhiều ngân hàng như BIDV, Eximbank, VPBank, HDBank, Sacombank, Liên doanh Lào-Việt đang là chủ nợ của HAG. Trong đó, BIDV, Eximbank là 2 chủ nợ lớn nhất. Vào tháng 5 năm nay, các ngân hàng đã phải ngồi với nhau, nhờ đến sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước để bàn phương án tái cơ cấu nợ và giúp HAG vượt khó.
Trên thực tế, tất cả những tài sản, từ quyền sử dụng đất, nhà xưởng, văn phòng, máy móc thiết bị, công trình thủy điện, vườn cao su, vườn dầu cọ, đàn bò, dự án bất động sản của HAG ở Myanmar, học viện bóng đá, cổ phiếu ở công ty con… của HAG đều đã thế chấp. Vì thế, từ lâu, câu chuyện nợ ở HAG đã không còn do lãnh đạo công ty này tự quyết. Sự ổn định trong hoạt động của HAG phụ thuộc vào các chủ nợ.
Nhưng điều tích cực cho HAG là vẫn được các chủ nợ ưu ái. Chỉ khác trước là do nhiều khoản nợ của HAG đã ở mức dưới chuẩn nên hỗ trợ của các ngân hàng dành cho Công ty dự báo sẽ khó khăn hơn. HAG sẽ phải tìm thêm nguồn tiền từ bên ngoài và từ kinh doanh cho tài trợ hoạt động, đầu tư. Nửa đầu năm 2016, HAG đã nỗ lực mạnh mẽ để gia tăng nguồn tiền. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Công ty đã có những động thái như giảm hàng tồn kho, thanh lý bớt tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông không kiểm soát, tăng thu hồi vốn góp đầu tư ở các đơn vị, tăng thu cổ tức, lãi cho vay... Nhờ đó, tuy HAG chỉ vay được hơn 3.225,7 tỉ đồng, nhưng 6 tháng qua, Công ty vẫn đủ khả năng trả nợ gốc hơn 5.100 tỉ đồng và dòng tiền đến ngày 30.6 vẫn đạt xấp xỉ mức năm ngoái, tức hơn 1.400 tỉ đồng.
Chờ thời vượt khó
Trong kinh doanh, HAG ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 3.657,7 tỉ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Với bối cảnh các mặt hàng nông nghiệp của HAG đều chịu sự cạnh tranh quyết liệt, tăng trưởng doanh thu hai con số được xem là cố gắng lớn, thể hiện chiến lược hiệu quả của công ty này. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của HAG là câu chuyện đáng chú ý.
Đơn cử, trong mảng chăn nuôi bò, lĩnh vực đóng góp chính vào doanh thu lợi nhuận, hiện có giá vốn chiếm tới 90% doanh thu thuần so với mức 62,2% của cùng kỳ. Hay trong mảng bất động sản đầu tư, giá vốn đã tăng vọt, chiếm 83% doanh thu thuần. Các mảng bắp, mía đường tuy cho biên lợi nhuận gộp khá hơn nhưng lại chưa đạt về nguồn thu. Đặc biệt, nửa đầu năm nay, doanh thu cao su chỉ bằng khoảng 10% cùng kỳ năm ngoái và Công ty không có hiệu quả trong mảng này.
Có thể nói, HAG chưa thể nhẹ gánh nặng nợ. Với hoàn cảnh đó, chủ trương bán hàng bằng mọi cách, ưu tiên thúc đẩy doanh thu hơn là kiếm lời được đánh giá phù hợp. Quan tâm lúc này của HAG là làm sao để ổn định trở lại, trước khi chờ cơ hội mới xuất hiện. Thời cơ này được kỳ vọng giá cao su sẽ sớm vượt qua ngưỡng 2.000-3.000 USD/tấn để rừng cao su của HAG đang ở giai đoạn thu hoạch tốt sẽ cho giá trị vượt trội, giúp cục diện của Công ty xoay chuyển theo hướng tích cực.
Kỳ vọng cũng được đặt ra ở những mùa vụ mía đường tiếp theo, khi HAG được hưởng ưu đãi thuế nhập đường từ Lào vào Việt Nam 0% vào năm 2016 và đã chuyển đổi xong việc thâm canh và chu kỳ canh tác, hứa hẹn giúp thúc đẩy năng suất. Ngoài ra, HAG cũng trông đợi vào dầu cọ khi một nhà máy chế biến dầu cọ sắp đi vào hoạt động trong quý IV này.
Kỳ vọng cũng được đặt ra ở những mùa vụ mía đường tiếp theo. Ảnh: sggp.org.vn
Các ngành dịch vụ như bệnh viện, khách sạn của HAG, kinh doanh khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar tại Yangon cũng đang có những thay đổi mới, mang nhiều tín hiệu tốt. Cụ thể, 60% diện tích văn phòng và 95% diện tích trung tâm thương mại nơi đây đã cho thuê. Riêng khu khách sạn 5 sao đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8.2016. Ông Đoàn Nguyên Đức rất lạc quan về dòng tiền đem lại của dự án này. Giai đoạn 2 của dự án tại Yangon gồm năm khối 28 tầng, 1.134 căn hộ và khu văn phòng cho thuê, có tổng vốn đầu tư 230 triệu USD. Ngân hàng BIDV đã thỏa thuận nguyên tắc làm đầu mối thu xếp 35% giá trị tổng vốn đầu tư, theo thỏa thuận vừa được HAG và BIDV ký tại Yangon.
Dự án bất động sản tại Myanmar là điểm sáng của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: mmbiztoday.com
Đối với mảng thịt bò, dù HAG đã phát triển đàn bò thịt hơn 130.000 con và 7.500 bò sữa, nhưng tính ra, đầu tư này khiêm tốn so với vốn của HAG rót vào cao su, bất động sản. Kể từ sau những trục trặc trong bắt tay với Vissan, HAG càng trở nên thận trọng. Bằng chứng là HAG đã chủ động xin dừng dự án trang trại bò ở Kon Tum. Doanh thu từ chăn nuôi bò đã mang lại cho HAG khoảng 1.863 tỉ đồng trong nửa đầu năm. Doanh thu này chiếm gần một nửa tổng doanh thu 6 tháng đầu năm, nhưng biên lợi nhuận gộp chỉ chiếm chưa tới 10%.
Chăn nuôi bò chỉ là phao cứu sinh ngắn hạn cho Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: hagl.com.vn
Chuyên gia ở Công ty Chứng khoán HSC từng đánh giá, quyết định này dường như phản ánh chủ trương của chính HAG là không mở rộng thêm nữa. Rõ ràng, mảng chăn nuôi bò tuy đang là nguồn đóng góp chính nhưng có lẽ chỉ là phao cứu sinh ngắn hạn cho HAG. Với những hoạt động đầu tư sâu ở mảng cao su và nợ cũng chủ yếu dồn vào đây, nút thắt cho HAG nằm ở giá cao su thế giới. Nếu giá cao su vẫn như hiện tại, “chỉ mong HAG được các chủ nợ tạo điều kiện để chờ đi qua khó khăn”, một chuyên gia giấu tên đánh giá.
Ngọc Thủy / nhipcaudautu.vn