Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tăng học phí các cấp học từ năm học 2021-2022 đang được nhiều người quan tâm. Học phí sẽ tăng như thế nào?
Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo
Học sinh TPHCM trong ngày tựu trường, nếu đề xuất của Bộ Giáo dục được chấp thuận, học phí của học sinh sẽ tăng vào năm học mới. Ảnh minh họa: Thành Hoa
Nguồn thu từ học phí chưa đến 20% tổng chi cho hệ thống giáo dục
Theo dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước thu bình quân 42.755 tỉ đồng học phí/năm từ hệ thống đào tạo công lập.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, số thu học phí trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập trên cả nước ước đạt bình quân 42.755 tỉ đồng/năm. Trong đó, số thu học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập chiếm đến 60% tổng nguồn thu.
Tổng thu học phí hàng năm chiếm 19,32% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước cho hệ thống đào tạo này, cụ thể mức chi như sau:
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khung học phí cho các cấp học còn một số tồn tại. Với giáo dục mầm non, phổ thông, mức trần cho vùng thành thị là 300.000 đồng/tháng/học sinh là quá thấp và chưa có khung học phí cho các trường đã thực hiện tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo chỉ thường xuyên và chi đầu tư.
Với bậc đại học, mức trần học phí chưa phù hợp với một số ngành, nghề đào tạo như khoa học sức khỏe, các chuyên ngành đào tạo đòi hỏi thời lượng đào tạo về thực hành lớn, cần nhiều chi phí thực hành. Thêm vào đó, các trường đã tự đảm bảo chi thường xuyên nhưng vẫn áp dụng chung mức học phí với chương trình đại trà, chưa đủ bù đắp chi thường xuyên nên khó tự chủ tài chính.
Với giáo dục nghề nghiệp, một số nghề học cần chi phí lớn để mua nguyên, vật liệu thực hành nhưng mức thu học phí thấp, không đủ bù đắp chi phí đào tạo. Mực thu học phí ở mảng này chỉ chiếm khoảng 40% - 50% chi phí hoạt động của trường nên ngân sách nhà nước vẫn phải hỗ trợ phần lớn kinh phí.
Tăng học phí như thế nào
Trong dự thảo này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tăng 7,5%/năm với học phí mầm non, phổ thông. Với lộ trình này, đến năm học 2025-2026 bù đắp được 50% chi phí đào tạo, đến năm 2030 học phí sẽ bù đắp đủ chi phí đào tạo (đối với trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên).
Cụ thể, khung học phí năm học 2021-2022 từ mầm non đến phổ thông trung học là, ở bậc mầm non và tiểu học, mức thấp nhất là 50.000 -110.000 đồng/tháng/học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi; 100.000 -220.000 đồng/tháng/học sinh vùng nông thôn và 300.000 -540.000/tháng/học sinh vùng thành thị.
Ở bậc trung học cơ sở, từ 50.000 -170.000 đồng/tháng/học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 100.000 -270.000 đồng/tháng/học sinh vùng nông thôn và 300.000 -650.000 đồng cho vùng thành thị.
Ở bậc trung học phổ thông, từ 100.000 - 220.000 đồng/tháng/học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 200.000 -330.000 đồng với khu vực nông thôn và 300.000 -650.000 đồng cho vùng thành thị.
Với bậc đại học, bộ đề nghị mức mức tăng học phí 12,5%/năm để bảo đảm lộ trình tính đủ chi phí đào tạo vào năm 2025.
Với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bộ đề xuất năm 2021 vẫn thu bằng mức của năm nay vì thu nhập của một bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Từ năm 2022 trở đi, có thể tăng học phí nhưng mức tăng không vượt quá chỉ số giá tiêu dùng hàng năm do cơ quan có thẩm quyền công bố.
Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác nhằm bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Tuy nhiên, nhà trường phải thuyết minh chi phí giáo dục đào tạo bình quân một học sinh, mức thu học phí hàng năm và cả cấp học đối với giáo dục mầm non phổ thông, cả khóa học đối với giáo dục đại học cũng như lộ trình và tỉ lệ tăng học phí các năm tiếp theo. Mức tối đa 15% đối với giáo dục đại học, 10% đối với giáo dục mầm non, phổ thông.