Có lẽ không nên ca thán về chuyện người trẻ ngày nay lười đọc, không biết chọn sách tử tế nữa, khi mà vấn đề giáo dục thẩm mỹ văn chương ở nhà trường chưa được tư duy lại.
Đường sách - một điểm hội tụ văn hóa của TPHCM. Ảnh TL
Hàng năm, cứ đến mùa thi, dư luận lại một phen rộn ràng về chất lượng của các đề thi do các trường, sở, thậm chí có khi là đề thi môn văn chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra. Nhưng cái đáng nói nhất, nỗi ngao ngán triền miên nhất, đó chính là độ nguội, độ lệch, sự khuyến khích giả dối phía sau những đề thi và cách đánh giá cũ kỹ, giáo điều.
Dạng đề ra kiểu như “hãy phân tích ý nghĩa chi tiết tiếng sáo trong Vợ chồng A Phủ” hay “phân tích hình tượng người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân”... xem ra vẫn còn rất phổ biến. Với những đề thi như thế, một học sinh lớn lên ở đô thị sẽ không phải suy nghĩ gì nhiều, chỉ cần học thuộc các bài văn mẫu, hay chép nguyên xi những “đáp án” được các thầy cô dựng sẵn thì có thể gọi là đầy đủ ý, nhờ vậy mà đi qua môn văn dễ dàng. Nếu nói khác đi bộ dàn ý được những thầy cô khảo thí, được sách hướng dẫn giảng dạy dựng sẵn, là coi như không đạt.
Những gì đọng lại về những tác phẩm trên, là những ký ức đối phó. Vì vậy, tình yêu văn chương, thẩm mỹ văn chương là những khái niệm xa lạ trong suy nghĩ của đa số người trẻ học văn hôm nay.
Sự cũ kỹ của các tác phẩm văn chương trong sách giáo khoa, tính mục đích đôi khi phi văn chương trong cách chọn lựa tác phẩm đưa vào sách học cho học sinh phổ thông là điều được các nhà khoa học ngữ văn bàn bạc nhiều nhưng sự thay đổi theo hướng tiến bộ xem ra quá chậm.
Ngày nay, học sinh vẫn được dạy rằng một bài văn nhất thiết cứ phải đủ ba phần “mở bài, thân bài và kết luận”, phân tích một tác phẩm văn chương thì cứ phải chia ra “đặc điểm nội dung” và “đặc điểm nghệ thuật”.
Trong điều kiện đó, giả thử một em học sinh trong bài thi văn của mình viết một đoản văn dù hay đến mấy vẫn có thể bị đánh rớt vì không đủ ba phần và hai ý bắt buộc.
Chính sự đối phó, viết theo những “đáp số nội dung” và cấu trúc dựng sẵn sẽ hạn chế sự tự do chia sẻ quan điểm của bản thân hay trình bày kinh nghiệm thẩm mỹ cá nhân về tác phẩm. Xa hơn, sẽ không có học sinh nào dám bày tỏ sự phản ứng trước những tác phẩm buộc phải học nhưng không phù hợp, xa lạ với tinh thần thời đại mình đang sống, hay chí ít là bày tỏ nguyện vọng về những giá trị thẩm mỹ phù hợp hơn với mình.
Cần phải biết hoài nghi về những “đề văn mở”. Bởi vì tính “mở” trong cách ra đề có nói lên sự cởi mở trong cách thẩm định, đánh giá, có tôn trọng sự khác biệt nơi những giá trị thuộc về cá nhân người học?!
Cách dạy văn chương khuôn mẫu và lạc hậu, máy móc và khuyến khích giả dối đó đã làm nên điều tệ hại nhất: khiến học sinh sợ và ghét văn chương. Từ khả năng thẩm mỹ hạn chế, các em sẽ chọn những quyển sách dễ đọc, mọi trải nghiệm hay cảm xúc đã được người viết nói hộ, thích nghe những bản nhạc ca từ đơn giản và dễ dãi không phải nghĩ ngợi nhiều. Lười biếng suy tư và sống lệ thuộc là một thứ dịch bệnh nguy hiểm được tạo ra từ một phương pháp giáo dục khoa học nhân văn lệch lạc.
Những cá nhân không chính trực, thiếu vắng ý thức độc lập sẽ sẵn sàng nói điều người khác nghĩ, làm điều người khác muốn vì những mục tiêu ngắn hạn trong cuộc đời.
Huệ Nghi / thesaigontimes.vn