Sau 4 ngày diễn ra sôi nổi (26-29/8), Hội chợ - Triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ 2016 đã chính thức khép lại và được đánh giá đã thành công khi không những giúp tôn vinh những sản phẩm, những đôi tay vàng trong ngành thủ công mỹ nghệ mà còn làm tốt vai trò là cầu nối cho các sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, để hàng hóa thực sự tìm được chỗ đứng vững chắc thì cần nhiều giải pháp mạnh hơn.
Người tiêu dùng thích thú với sản phẩm được trưng bày tại triển lãm
Kết nối sản phẩm với người tiêu dùng
Vượt gần 1.500km ra Hà Nội, chị Đỗ Trương Phương Vân - Giám đốc kinh doanh cơ sở sản xuất hoa đất sét Thời Gian (TP. Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng) mang đến Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ 2016 hàng chục mẫu hoa được làm thủ công hoàn toàn từ đất sét. Nằm giữa những gian hàng đồ gỗ, đồ mỹ nghệ rộng lớn với hàng trăm mẫu sản phẩm, những bình hoa đất sét bình dị nhưng tinh xảo của chị vẫn thu hút một lượng lớn khách hàng. Buổi tối cuối cùng của hội chợ, khi đã chuẩn bị thu dọn ra về, những bình hoa cuối cùng cũng đã được khách hàng đặt mua. Chị Vân vui vẻ khoe, sau 4 ngày tham gia hội chợ, tất cả số hàng chị mang ra triển lãm đã tiêu thụ hết với doanh thu rất khả quan. Không những vậy, chị còn nhận được một số đơn hàng sản xuất sản phẩm với số lượng ổn định cho thị trường thủ đô.
Chị Đỗ Trương Phương Vân vui vẻ khoe, hàng hóa đã được bán hết sau những ngày dự hội chợ
Khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị trường trong nước, hầu hết các sản phẩm của Cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Lan Huy (Hà Nam) được xuất khẩu đến các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Do vậy, trước khi tham gia triển lãm, ông Mai Đức Huy - Chủ cơ sở chỉ nghĩ đây là cơ hội để giao lưu, học hỏi cách làm nghề của những người đi trước. Tuy nhiên, sau 4 ngày tham gia triển lãm, không những được chia sẻ kinh nghiệm với những Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, lượng hàng hóa của cơ sở đã tiêu thụ rất nhanh do giá cả phải chăng, chất lượng tốt và độc đáo.
“Ngay trong ngày khai mạc triển lãm, có đối tác đã đến đặt tôi 100 chiếc thuyền trang trí bằng gỗ để bán tại thị trường thủ đô. Ngay sau kỳ triển lãm, hợp đồng sẽ được ký, đưa sản phẩm chính thức bước vào hành trình chinh phục người tiêu dùng Hà Nội” - ông Mai Đức Huy hào hứng nói.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Công Thương, thành công đã không chỉ đến với 2 cơ sở sản xuất kể trên mà đã đến với tất cả 200 gian hàng tham gia triển lãm. Nhiều hợp đồng được ký kết, nhiều sản phẩm đã tìm được cơ hội tốt để bước vào thị trường thủ đô.
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công Thương đánh giá, Triển lãm - Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016 đã thực sự trở thành cầu nối hữu hiệu giữa các nghệ nhân, làng nghề, doanh nghiệp (DN), sản phẩm và thị trường, giúp đưa sản phẩm hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng thủ đô.
Tận dụng cơ hội, chinh phục thị trường
Vai trò kết nối giữa sản phẩm với thị trường của Hội chợ - Triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ 2016 đã được thực hiện tương đối thành công khi giúp hàng hóa được người tiêu dùng thủ đô biết đến. Tuy nhiên, để hàng hóa “bám rễ” thị trường thì cần nhiều giải pháp hơn nữa.
Cần nhiều giải pháp để hàng thủ công mỹ nghệ thực sự "bám rễ" thị trường trong nước
Ông Phạm Văn Vang – Giám đốc DN tư nhân gốm Bồ Bát (Ninh Bình) chia sẻ, các sản phẩm gốm Bồ Bát nói riêng và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung vẫn chủ yếu xuất khẩu chứ chưa được tiêu thụ nhiều tại thị trường trong nước, nguyên nhân do các DN chủ yếu có quy mô nhỏ, vốn ít, khó xây dựng điểm phân phối. Trong khi đó, chi phí để đưa hàng hóa vào siêu thị còn quá cao.
Đồng ý kiến với ông Phạm Văn Vang, ông Mai Đức Huy nhấn mạnh: “Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại cơ sở sản xuất có giá không cao nhưng do chiết khấu đưa vào siêu thị quá cao (có sản phẩm lên đến 200%) nên không khuyến khích được DN. Cho nên, Nhà nước cần có quy định chung về mức chiết khấu cho các sản phẩm vào siêu thị và nên ở mức 15-20% để giúp các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ có lợi nhuận, khuyến khích họ đưa sản phẩm ra thị trường.
Ông Mai Đức Huy chia sẻ thêm, người tiêu dùng trong nước còn tâm lý sính hàng ngoại, chưa thực sự ủng hộ hàng sản xuất trong nước. Do đó, trong khuôn khổ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", cần nhiều giải pháp tuyên truyền để người tiêu dùng ưu tiên sử dụng sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt vì đây là sản phẩm hoàn toàn thuần Việt.
Phương Lan / baocongthuong.com.vn