Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất về giá trị tuyệt đối và xếp thứ ba trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines, tức giữ nguyên vị trí so với bảng xếp hạng năm ngoái.
Theo báo cáo về kiều hối phát hành tháng 5-2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) và Knomad, người Việt ở nước ngoài gửi về nước 17,2 tỉ đô la trong năm 2020, tăng gần 3% so với năm 2019. Tuy nhiên, nếu tính theo GDP thì tỷ trọng kiều hối đã giảm từ mức 6,5% xuống còn 5% (như biểu đồ phía trên).
Dù vậy, lượng kiều hối đổ về năm ngoái lạc quan hơn so với các dự báo trước đó. Dự báo trước đó của WB là chỉ đạt khoảng 15,68 tỉ đô la.
Với lượng kiều hối này, Việt Nam tiếp tục trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất về giá trị tuyệt đối và xếp thứ ba trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines, tức giữ nguyên vị trí so với bảng xếp hạng năm ngoái. Việt Nam cũng nằm trong top 10 nước có tỷ trọng kiều hối tính trên GDP cao nhất.
WB đánh giá lượng kiều hối đổ về các nước đã phục hồi đáng kể trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Lượng kiều hối đổ về các nước có thu nhập thấp và trung bình đạt 540 tỉ đô la trong năm 2020, chỉ giảm 1,6% so với năm trước đó.
Đáng chú ý là mức giảm này vẫn thấp hơn nhiều so với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 11%. Nếu loại trừ Trung Quốc, dòng vốn FDI chảy vào các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình đã giảm hơn 30% vào năm 2020.
Theo WB, lý do đằng sau khả năng phục hồi của kiều hối trong cuộc khủng hoảng vì Covid-19 là “mong muốn của người di cư để giúp đỡ gia đình của họ, gửi tiền về nhà bằng cách cắt giảm tiêu dùng hoặc tiết kiệm”. Bên cạnh đó, các yếu tố ảnh hưởng còn là các chính sách kích thích tài chính ở các nước sở tại, biến động chu kỳ giá dầu, tỷ giá hối đoái và sự dịch chuyển dòng chảy từ các kênh không chính thức sang kênh chính thức (do sự hạn chế di chuyển giữa các quốc gia).
WB dự báo dòng kiều hối đến các nước có thu nhập thấp và trung bình dự kiến sẽ tăng 2,6% mỗi năm, lên 553 tỉ đô la trong năm nay. Kiều hối dự kiến sẽ tăng nhanh gấp đôi ở Mỹ Latinh và Caribe và ở Nam Á, dự kiến sẽ giảm nhiều hơn ở khu vực châu Âu và Trung Á.