Tại Hội nghị Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu do Bộ Y tế tổ chức ở Hà Nội ngày 14-9, lãnh đạo ngành y tế cho biết, nguồn dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay có khoảng 80% là nhập “chui” qua đường tiểu ngạch (hơn 40.000 tấn), đa phần là dược liệu kém chất lượng, dược liệu đã bị chiết xuất một phần hoạt chất.
Nguồn dược liệu bán ở chợ Hải Thượng Lãn Ông, quận 6, TPHCM. Ảnh H.N
Theo ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) quốc gia, mỗi năm cả nước sử dụng hơn 60.000 tấn dược liệu, trong đó nguồn cung trong nước chỉ chủ động khoảng 20% và có tới 80% nguồn dược liệu nhập “chui” qua đường tiểu ngạch.
Do đó, ông Hùng đề xuất cơ quan chức năng cần phải xem dược liệu nhập lậu là hàng giả và xử lý nghiêm như thuốc giả để người dân không phải dùng thuốc kém chất lượng.
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cũng khẳng định dược liệu hiện dùng cho sản xuất thuốc tại Việt Nam vẫn còn chưa đảm bảo chất lượng. Hơn 80% trong số 60.000 tấn dược liệu sử dụng mỗi năm tại Việt Nam là nhập khẩu, đa số lại nhập theo con đường tiểu ngạch. Các dược liệu lại được nhập như nông sản hoặc đăng ký sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nên khó đạt tiêu chuẩn để làm thuốc.
Theo các lãnh đạo ngành y tế, việc thông quan dược liệu qua cửa khẩu hiện nay còn rất lỏng lẻo, chẳng hạn như dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng gói trong bao, thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Tại các cửa khẩu, cán bộ chỉ kiểm tra được số lượng, trọng lượng bao hàng, không kiểm tra được chất lượng các dược liệu.
Khi kiểm tra chất lượng dược liệu lưu hành trên thị trường thì phần lớn dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam là dược liệu kém chất lượng hoặc đã bị chiết xuất một phần hoạt chất.
Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, trong năm 2015, viện này đã phối hợp với Cục Y dược cổ truyền kiểm tra, khảo sát các loại dược liệu có nghi ngờ về chất lượng tại các bệnh viện y học cổ truyền và các công ty xuất nhập khẩu dược liệu trên toàn quốc. Trong 109 mẫu được kiểm tra, phần lớn mẫu được lấy từ khu vực cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, thì có đến 56 mẫu không đạt chất lượng, trong đó có đến 24 mẫu dược liệu giả mạo đã được đưa vào các cơ sở y tế công lập sử dụng.
Lãnh đạo một công ty chuyên sản xuất đông dược cho rằng, ngoài việc nhập khẩu qua đường chính ngạch, dược liệu còn được nhập khẩu vào Việt Nam qua nhiều đường khác và sử dụng cho các mục đích khác nhau (sản xuất thuốc y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, thực phẩm).
Nếu quy định dược liệu đã có số đăng ký lưu hành hoặc dược liệu để sản xuất thuốc đã có số đăng ký lưu hành không phải cấp phép nhập khẩu như nguyên liệu sản xuất thuốc hóa dược thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ khó quản lý chất lượng và nguồn gốc của dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam để làm thuốc y học cổ truyền. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bằng y học cổ truyền.
Hoàng Nhung / thesaigontimes.vn