Kế bên đảo Lớn Lý Sơn là hòn đảo nhỏ với những bãi tắm hoang sơ, vỏn vẹn hơn 100 hộ dân sinh sống.
Đảo Bé (còn gọi là đảo An Bình, Cù lao Bờ Bãi) là xã đảo thuộc huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây có diện tích 0,69 km2, với hơn 100 hộ dân sinh sống, cách đảo Lớn Lý Sơn khoảng 3,5 hải lý.
Trước đây, để đến đảo Bé, du khách phải thuê thuyền nhỏ của ngư dân chạy từ đảo Lớn qua. Khoảng hai năm nay, du khách dễ dàng thuê tàu thuyền hoặc canô qua đảo chỉ trong 15 phút. Các chuyến tàu ra đảo thường xuất phát lúc 8h và quay về đảo Lớn lúc 14h30 hàng ngày với giá dao động 50.000 - 60.000 đồng mỗi người.
Hòn đảo đang trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng của đông đảo du khách bởi những bãi biển xanh trong, cát trắng trải dài.
Bãi Hang (còn gọi là bãi Sau) nổi tiếng với những hang động chứa đầy thạch nhũ và mạch nước ngầm, nơi du khách có thể ngồi trong hang ngắm cảnh hoặc dạo bộ và tắm biển.
Tại đây, du khách có thể liên hệ đội lái thuyền thúng đưa đi lặn ngắm san hô ven biển. "Dịch vụ đi thuyền thúng ngắm san hô có giá từ 80.000 đến 120.000 đồng mỗi người tuỳ vào quãng đường khách chọn. Càng đi xa, du khách càng có cơ hội thấy nhiều cảnh đẹp của biển và đảo", ông Võ No, người dân địa phương làm dịch vụ chèo thuyền thúng, cho biết.
Một trong những bãi tắm được nhiều du khách ưa chuộng trên đảo là bãi Dừa với mặt nước xanh biếc, gợn sóng lăn tăn, kế bên những tảng đá vốn là trầm tích của núi lửa từ hàng triệu năm.
Một cây bàng cổ thụ với những cành lá sum suê trên con đường bêtông ven đảo. Ngoài cây bàng vuông, trên đảo còn có cây phong ba "cô đơn", rau muống biển, dừa dại...
Ba năm trở lại đây, người dân trên đảo bắt đầu làm du lịch với những homestay, nhà nghỉ dân dã, có kiến trúc hài hoà với khung cảnh thiên nhiên.
Đi bộ quanh đảo, du khách dễ dàng bắt gặp những tảng đá nham thạch được người dân địa phương đắp thành bức tường, bờ ruộng kiểu bậc thang để trồng hành và tỏi.
Cũng khoảng hai năm nay, những bức tường cũ trên đảo đã được thay mới bằng bích họa có chủ đề gần gũi với thiên nhiên, con người như lặn biển, bảo vệ môi trường...
Nếu "làng bích họa" Tam Thanh nổi tiếng ở tỉnh Quảng Nam là sản phẩm của những người bạn Hàn Quốc tặng cho Việt Nam, thì làng bích họa An Bình là sản phẩm của chính những bạn trẻ Việt.
Dù có nguồn nước sinh hoạt được Nhà máy lọc nước An Bình cấp từ năm 2012, nhiều năm nay, các gia đình ở đảo vẫn giữ thói quen tích trữ nước mưa trong những chiếc lu lớn.
Theo người dân, cứ đến mùa khô, nước ngọt thường khan hiếm bởi nhu cầu sử dụng nhiều của các hộ dân và khách du lịch.
Những ngày đầu tháng 9, mô hình "Cá biển ăn rác thải nhựa" có chiều dài hơn 2 m, rộng 1,5 m và chứa được 1.000 vỏ chai nhựa được đặt tại cầu cảng, gây ấn tượng cho nhiều du khách tham quan đảo Bé.
Đây là sản phẩm của nhóm tình nguyện ở huyện Lý Sơn nhằm tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức và hành vi sử dụng rác thải nhựa của người dân và du khách.
Chiều muộn là thời điểm lý tưởng cho du khách tắm biển, chèo thuyền kayak quanh đảo để ngắm hoàng hôn dần xuống.
Thành Nguyễn