Bộ Tài chính cho biết, gần 55% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam báo lỗ 131.400 tỷ đồng trong năm 2019.
Số liệu trên được Bộ Tài chính đề cập trong báo cáo gửi Thủ tướng kết quả phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của gần như toàn bộ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam (22.603 doanh nghiệp).
Trong năm 2019, có 12.455 doanh nghiệp báo lỗ dù doanh thu của họ tăng gần 13% lên gần 847.000 tỷ đồng.
Có khoảng 3.545 doanh nghiệp lỗ mất vốn năm 2019, chiếm gần 16%. Trong đó, 2.160 doanh nghiệp vẫn báo cáo tăng trưởng doanh thu.
Một số nhóm ngành lỗ liên tiếp trong hai năm liền và lỗ năm trước nhiều hơn năm sau là sản xuất sắt thép và kim loại khác, dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khó và sản phẩm hoá dầu.
Ngược lại, nhóm các ngành mà doanh nghiệp FDI có tỷ suất lợi nhuận tốt gồm sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy và xe có động cơ khác, công nghiệp chế biến thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phân phối bảo dưỡng ôtô xe máy và nhóm y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.
Công nhân sản xuất tại một công ty liên doanh phụ tùng, máy móc.Ảnh: AFP
Nếu xếp theo quốc gia, vùng lãnh thổ thì các doanh nghiệp FDI đến từ châu Âu (Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Luxembourg) có tổng hợp khả năng sinh lời cao nhất.
Nhóm doanh nghiệp của các nước có vốn đăng ký vào Việt Nam lớn nhất gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, British Virgin Islands có tổng hợp khả năng sinh lời ở mức hợp lý. Tuy nhiên, hai nhà đầu tư nằm trong top 10 đầu tư lớn vào Việt Nam là Hong Kong, Trung Quốc lại tổng hợp khả năng sinh lời thấp. Một số nước trong top 10 đầu tư lớn vào Việt Nam như Australia, Brunei, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia thậm chí lỗ tổng hợp trước và sau thuế.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2019, số thu về các sắc thuế nội địa không kể dầu thô của khu vực doanh nghiệp FDI là hơn 210.200 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với năm 2018. Tốc độ tăng số nộp ngân sách của khu vực FDI năm 2019 nhanh hơn so với hai năm trước.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá, hiệu quả sử dụng tài sản, sử dụng vốn đầu tư tại các doanh nghiệp FDI vẫn còn thấp, chưa phát huy hết tiềm lực, nộp ngân sách chưa tương xứng với ưu đãi được hưởng. Bên cạnh đó, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp luôn báo lỗ thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.