Khó khăn về nguồn vốn khiến một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản "đói vốn", phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy rủi ro.
Doanh nghiệp bất động sản vay tín dụng đen, cắt giảm nhân sự
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo ông Châu, hiện nay, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái.
Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cụ thể như dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn...
Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân từ dòng vốn (Ảnh: Hà Phong).
Bên cạnh đó, Chủ tịch HoREA cho biết, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động.
Ngoài ra, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản "đói vốn" nên phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao; hay phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng) tạo ra cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ hơn, nhưng cũng tiềm ẩn "rủi ro" do là sản phẩm hình thành trong tương lai.
Đặc biệt, việc bán dự án với "giá hời" có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, có cơ hội thâu tóm, làm mất đi "lợi thế" của các doanh nghiệp trong nước đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.
"Tình thế rất khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản có một số điểm tương đồng, nhưng cũng có điểm khác biệt so với thời điểm "tiền khủng hoảng" dẫn đến thị trường bất động sản bị "khủng hoảng đóng băng" trong giai đoạn 2008-2013", ông Châu nhấn mạnh.
Kiến nghị khơi thông dòng vốn
Trước thực trạng của thị trường bất động sản hiện tại, HoREA kiến nghị một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, HoREA kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của một số nghị định có liên quan khác, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất để giải quyết ngay một số "vướng mắc về pháp lý".
HoREA kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho thị trường bất động sản (Ảnh: Hà Phong).
Đồng thời, Chính phủ cần sớm tháo gỡ một số khó khăn của các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với đất đai, nhà ở, sản phẩm bất động sản khác.
Bên cạnh đó, HoREA kiến nghị giải pháp tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở. Trong đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét tháo gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất để tăng nguồn cung nhà ở xã hội.
Đặc biệt, HoREA kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho thị trường bất động sản.
"Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, các dự án nhà ở giá vừa túi tiền, nhất là các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu", HoREA kiến nghị.