Bất động sản đang ngày càng có những đóng góp lớn cho ngân sách TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bất động sản tại đây đang bị cản bước phát triển bởi nhiều “điểm nghẽn”.
Thiếu nguồn tín dụng ưu đãi đang là một trong những vấn đề lớn "cản bước" bất động sản TP. Hồ Chí Minh phát triển. Ảnh minh họa.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), hiện bất động sản TP. Hồ Chí Minh đang gặp phải 4 vấn đề khó khăn cần sớm được tháo gỡ.
Trước tiên là khâu giải phóng mặt bằng quá khó khăn. Việc khó khăn trong giải phóng mặt bằng đang khiến khoảng 500 dự án trên địa bàn phải ngừng triển khai. Nhiều dự án trong số đó phải triển khai theo hình thức “da báo”.
Vấn đề thứ 2 là tiền sử dụng đất. Đại diện HoREA cho rằng, hiện tiền sử dụng đất vẫn là gánh nặng với doanh nghiệp, dễ tạo ra cơ chế xin cho.
Vấn đề thứ 3 là thủ tục hành chính vẫn nhiêu khê, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt dự án.
Vấn đề cuối cùng là chưa có chính sách tín dụng phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn dài hạn cho thị trường. Lãi suất cho vay còn cao và nguồn vốn tín dụng lãi suất hợp lý cho nhà ở xã hội còn thiếu.
Theo đánh giá của HoREA, nguồn thu ngân sách từ thị trường bất động sản, trong đó có tiền sử dụng đất tại TP. Hồ Chí Minh đang gia tăng và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.
Cụ thể, tính đến giữa tháng 11/2016, tiền sử dụng đất do 80 doanh nghiệp nộp đã đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, chưa kể khoảng 1.889 tỷ đồng của 40 doanh nghiệp còn chưa nộp.
Sự hồi phục của thị trường bất động sản khiến dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản rất lớn và tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Để tháo gỡ bớt những khó khăn đang cản bước thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh phát triển, đại diện HoREA, ông Lê Hoàng Châu cho rằng: Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung điều 62 Luật Đất đai, Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo hướng xác định rõ thẩm quyền của UBND cấp tỉnh khi phê duyệt đề án quy hoạch.
Làm được việc này sẽ tránh tình trạng người có đất lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của hệ thống pháp luật để buộc cả dự án phải ngưng trệ.
Về diểm nghẽn tín dụng, phía HoREA cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng có cơ chế tiếp nối để hỗ trợ người thu nhập thấp, đối tượng chính sách mua nhà xã hội, nhà giá rẻ.
Được biết, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ hết hạn giải ngân, khó bán được nhà, nhiều doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thời gian vừa qua đã phải trích phần lợi nhuận ít ỏi (bị giới hạn lợi nhuận 10%) để hỗ trợ lãi suất vay vốn mua nhà cho khách hàng.
Tại Hà Nội, việc hỗ trợ lãi xuất cho khách hàng mua nhà ở xã hội cũng đang được một số doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng, do các khách hàng có nhu cầu mua nhà, không tiếp tục mua nhà vì không vay được vốn ưu đãi.
Phương Anh / BizLIVE