Thành phố Huế đang bàn thảo Đề án Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Một góc phố đi bộ ban đêm đầu tiên tại thành phố Huế thời điểm Covid-19 chưa xảy ra ở Việt Nam. Ảnh: Hiếu Trương
Và đề án này sẽ được thực hiện “cuốn chiếu” bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán 2021.
Thông tin này được ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Thành phố Huế, chia sẻ với TBKTSG Online hôm nay, 1-12.
“Một số hạng mục trong đề án sẽ được thực hiện trước Tết và sẽ được triển khai dần sau đó”, ông Định nói và cho biết thêm bên cạnh việc phát triển phố đi bộ ban đêm hiện hữu [xung quanh đường Phạm Ngũ Lão, Võ Thị Sáu…], các tuyến phố ban đêm khác cũng sẽ dần hình thành như bến xe Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, Phạm Hồng Thái, Trương Định và các tuyến quanh khu vực Đại Nội...
Được biết, đề án gồm sáu phần, tập trung vào các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, trọng tâm là du lịch, dịch vụ tập trung vào một số loại hình chủ yếu.
Đó là dịch vụ giải trí (các hoạt động nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật,…), dịch vụ ẩm thực, mua sắm (các chợ đêm, khu mua sắm, ẩm thực…) và du lịch (tham quan trải nghiệm các điểm du lịch, di tích văn hóa, các công trình kiến trúc, thưởng ngoạn, phố đi bộ, đường đi bộ).
Theo đề án này, hoạt động kinh tế ban đêm ở thành phố Huế bao gồm tại các công viên hai bên bờ sông Hương, các phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão, đặc biệt là việc lập đường đi bộ ở 4 tuyến đường quanh Đại Nội Huế. Các công trình, hệ thống đi kèm Đề án là: Hệ thống chiếu sáng công cộng trên tuyến đi bộ và phụ cận; Hệ thống giao thông trên tuyến đi bộ; Công trình dịch vụ và công cộng trên tuyến và phụ cận (Hệ thống bến thuyền, bãi đỗ xe, giao thông tĩnh); Các chợ thương mại; Khu mua sắm, khu thương mại - dịch vụ tập trung.
Các lĩnh vực trong Đề án bao gồm hoạt động văn nghệ, nghệ thuật, lễ hội, Ca Huế, Đại Nội về đêm, sông Hương về đêm...; thương mại điện tử; nhiều sản phẩm Huế nổi tiếng, đặc sản đặc trưng, hàng lưu niệm, làng nghề, nghề truyền thống;...
Tổng thể Đề án Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của thành phố Huế giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 gắn chặt với xây dựng hình ảnh Huế - thành phố “Xanh - Sạch - Sáng”, “Thành phố Festival của Việt Nam”, “Thành phố xanh Quốc gia”...
Mục tiêu mà thành phố hướng đến là xác định các tiêu chí để phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm; làm rõ các nguồn lực phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm của thành phố Huế trong nhu cầu hiện nay, thực tế phát triển trong thời gian qua.
Ông Hoàng Hải Minh, Chủ tịch UBND thành phố Huế, chia sẻ: “Đề án rất rộng lớn. Chúng tôi phải xác định rõ từng mục tiêu, sản phẩm và dịch vụ “đêm” để triển khai”. Từng sản phẩm ở lĩnh vực nào thì phối hợp chặt chẽ với sở ngành chuyên môn để thực hiện. Đề án cần cụ thể hóa các sản phẩm hơn, như “Đêm Hoàng Cung” thì cần làm gì, có thể là tái hiện nghi thức cung đình xưa, nghệ thuật cung đình… Đặc biệt là phải huy động được người dân đồng tình ủng hộ và cùng làm. Ngoài ra, cũng cần tính toán đến quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông, bãi đậu đỗ xe, điện nước...