Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ khó có đủ căn cứ để kết luận Tập đoàn Doji huy động vàng trả lãi là trái phép. Bởi theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico thì việc huy động vàng của các doanh nghiệp không hề trái luật. Đây phải chăng cũng là lý do khiến NHNN vẫn lừng khừng đưa ra quyết định cuối cùng?
Ảnh minh họa.
Theo ông Trương Thanh Đức, Luật Đầu tư năm 2005 không có quy định nào cấm việc huy động vàng của các doanh nghiệp, ngay cả mục kinh doanh có điều kiện thì cũng không thấy nhắc tới lĩnh vực huy động vàng.
Ông Đức bổ sung, xung quanh vấn đề này chỉ có Khoản 9, điều 4 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó chỉ cấm các tổ chức tín dụng và ngân hàng thành lập sàn vàng, huy động vàng, chứ không nói rõ rằng việc huy động vàng ở các doanh nghiệp trong nước có bị cấm hay không.
Trước đó, văn bản thông báo về việc lãi xuất vay vốn bằng vàng vào tháng 9/2015 của tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI ký gửi cho khách hàng với nội dung “thông báo về việc lãi suất vay vốn bằng Vàng” là có thực. Bản thân tập đoàn này cũng đang chờ đợi những phán quyết từ phía cơ quan chức năng.
Theo các chuyên gia, việc NHNN còn lần lữa chưa có văn bản trả lời chính thức sẽ gây bất lợi cho kinh tế vĩ mô, khi không chỉ Doji mà các doanh nghiệp vàng khác cũng thừa thế lách luật tiếp tục huy động vàng, làm ảnh hưởng tới cố gắng 16 năm chống “vàng hóa” của Việt Nam.
Đừng nói huy động mà không cho vay, điều đó là phi lý!
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính, Ngân hàng
Trao đổi với phóng viên của BizLIVE về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính, Ngân hàng phản bác lập luận doanh nghiệp huy động vàng mà không cho vay. Theo ông Hiếu, điều này là phi lý. “Nói vay vàng vào mà không cho vay ra, không nhằm mục đích sinh lời là phi lý. Không thể có chuyện doanh nghiệp kinh doanh mà không có lãi!”, ông nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn, ông Hiếu cho biết, ngân hàng huy động vàng thì có thể quy đổi vàng ra thành tiền, sau đó đưa vào hoạt động sản xuất của ngân hàng. Điều đó là có lợi cho ngân hàng và cho nền kinh tế chung.
Nhưng với các doanh nghiệp vàng thì khác. “Họ chỉ có vàng vừa làm nguyên liệu, vừa là sản phẩm. Vì thế có huy động trả lãi thì cũng phải có cho vay lấy lãi. Còn lý luận rằng huy động vàng để phục vụ sản xuất là hết sức ngô nghê, vì nếu vì mục đích này thì doanh nghiệp phải mua vàng chứ không phải là huy đông trả lãi”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu nhận định: “Rõ ràng việc Doji huy động vàng là đi ngược lại chỉ đạo của NHNN. Việc các doanh nghiệp huy động vàng sẽ không mang lại lợi lộc gì cho nền kinh tế chung. Không những thế, nếu như không chỉ Doji huy động vàng mà các doanh nghiệp vàng khác cũng làm việc này sẽ làm cho nước ta quay trở lại thời điểm giống như trước đây, người dân lại tích trữ vàng và tạo ra nguy cơ vàng hóa trở lại”.
Huy động vàng trong dân, kẻ lách luật, người há mồm.
Để thuyết phục khách hàng tin tưởng thì Doji đã dùng uy tín của mình và “ngân hàng đứng sau” cùng một ông chủ để cam kết với khách hàng. Vậy có hay không việc một lực đẩy nào đó đẩy Doji huy động vàng cho mục đích kinh doanh khác?
Mặt khác, chúng ta lại nên xem xét câu chuyện huy động vàng ở một góc độ khác. Có nên “mở” huy động vàng, thành lập sàn vàng cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng như ý tưởng thành lập sàn vàng do Hiệp hội vàng Việt Nam đề xuất mới đây.
Ông Hiếu nhận định, việc mở sàn vàng Quốc gia có khả năng huy động được vàng trong dân, phục vụ cho nhu cầu sản xuất và nền kinh tế chung của đất nước. Không những thế, việc mở huy động vàng cho các tổ chức tín dụng và ngân hàng còn giúp minh bạch hóa các giao dịch vàng chui đang chiếm quá nửa số lượng giao dịch vàng trên thị trường hiện nay.
Như vậy, rõ ràng trong quy định về huy động vàng ở nước ta có hiện tượng “kẻ lách luật, người há mồm”, đáng ra những doanh nghiệp cần bị cấm huy động vàng thì vẫn đang có cửa để luồn lách, còn bản thân các tổ chức nên được “mở” cửa huy động vàng có lợi cho nền kinh tế thì lại bị cấm.
Nguyễn Thoan / BizLIVE