Rêu phong đã phủ kín từng ngôi tháp cổ đổ nát, những bức phù điêu vũ nữ Apsara đang say múa khiến thánh địa Mỹ Sơn càng thâm nghiêm. Lạc bước vào đây, du khách như đang bước vào một nền văn hóa Chăm rực rỡ đã qua.
Cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65 km về phía nam, thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) thâm nghiêm, tráng lệ được bao bọc bởi thung lũng trong lành.
Thánh địa này là một phức hệ gồm hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa, sừng sững vươn cao nơi núi rừng. Nhiều năm qua, dù thời gian và chiến tranh đã tàn phá nặng nề nhưng những dấu tích của thời vàng son vẫn làm nên một tình yêu đắm say trong lòng du khách khi lạc bước vào thung lũng này.
Những phế tích còn lại trong thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: Bá Dũng.
Theo truyền thuyết, các đền tháp ở Mỹ Sơn là những công trình kiến trúc do các đời vua trị vì xây dựng, là nơi tập trung thể hiện những gì tiêu biểu nhất, tinh hoa nhất điển hình cho nền kiến trúc nghệ thuật độc đáo thời bấy giờ. Đây cũng từng là nơi tổ chức cúng tế và tập trung các lăng mộ của vương triều Chămpa.
Đường lên tháp quanh co, du khách xuyên qua một con đường nhỏ rợp bóng cây. Càng đến gần quần thể di tích, các tháp cổ trầm mặc, uy nghi, kiêu hãnh đã tồn tại hơn 16 thế kỷ qua hiện ra trước mắt.
Trong số các dạng kiến trúc tháp Chăm, kiến trúc dạng quần thể thánh địa như Mỹ Sơn là độc đáo và hiếm có. Các tháp được bố trí theo cụm, từ hai hoặc nhiều tháp, có tường bao, sân, đường đi nối các tháp với nhau. Đền thờ chính được bố trí nằm ở giữa, cửa chính của tháp chính phần lớn quay về hướng Đông, hướng về thần linh.
Trước mặt đền thờ chính KaLan là một tháp cổng Gopura với cấu trúc nhỏ với hai cửa thông nhau: một cửa về hướng Đông, một cửa hướng vào đền chính. Nối tiếp với tháp cổng thường là căn nhà dài Mandapa có mái lợp ngói, bên trong rộng rãi vốn là nơi đón khách hành hương và tiếp nhận lễ vật cũng như cử hành các vũ điệu trong các lễ cúng hiến cho thần linh.
Việc xử lý chất liệu thể hiện yếu tố kỹ mỹ thuật, những tính toán độ bền, kỹ thuật nung... cho thấy bàn tay và khối óc tài hoa của người cổ xưa. Ảnh: cion.com.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong nhiều công trình kiến trúc còn lại khi phát hiện năm 1898, có tháp cao tới 24 m. Thân tháp cao với một hệ thống cột, xung quanh có 6 tháp phụ, toàn bộ ngôi tháp hai tầng tỏa ra như cánh sen. Nhưng ngôi tháp giá trị này đã bị hủy hoại trong chiến tranh.
Toàn bộ quần thể đền tháp này được xây dựng bằng chất liệu gạch nung và đá sa thạch. Hàng nghìn năm trôi qua vẫn không làm phai được sắc đỏ thắm của từng viên gạch nơi tháp cổ. Việc xử lý chất liệu thể hiện yếu tố kỹ mỹ thuật, những tính toán độ bền, kỹ thuật nung... cho thấy bàn tay và khối óc tài hoa của người cổ xưa.
Điệu múa Apsara huyền hoặc, mê đắm du khách. Ảnh: Hanoimoi.
Có lẽ thú vị nhất khi đến Mỹ Sơn là lúc hoàng hôn buông dần trên những tháp cổ mới thấy hết được vẻ đẹp huyền bí của phế tích này. Dưới ánh chiều đỏ rực, những ngôi tháp cổ trở nên lung linh, huyền ảo. Từng tấm phù điêu với những điệu múa của nàng vũ nữ Apsara như say đắm lòng người hơn.
Đến Mỹ Sơn, nếu may mắn được ngắm nhìn những nàng Apsara bằng xương thịt, với những điệu múa "linh hồn của đá" huyền hoặc, du khách sẽ phải lưu luyến. Hình ảnh những cô gái với bộ ngực căng tròn, tay búp măng cong mềm lấp lánh trong những trang phục rực rỡ, uyển chuyển trong vũ điệu mê hoặc của trống Paranưng và tiếng khèn Saranai sẽ khiến du khách như lạc bước vào thế giới huyền ảo của nền văn hóa Chăm.
Theo A. Phương