Indonesia đang e ngại Việt Nam là “đối thủ đáng gờm” trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thực tế, vốn FDI vẫn đang chảy vào Việt Nam, nhưng như thế liệu có đủ?
Khi Indonesia cũng ngại Việt Nam
Đầu tháng 5/2017, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla đã lên tiếng, Việt Nam và Thái Lan đang trở thành những “đối thủ đáng gờm” của họ trong thu hút FDI, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Vị Phó thủ tướng này thậm chí còn thẳng thắn rằng, Indonesia cần cải thiện luật pháp và tạo điều kiện kinh doanh như Việt Nam và Thái Lan.
“Xét về chỉ số tạo thuận lợi kinh doanh nói chung, Indonesia đã có nhiều tiến bộ, nhưng các nước láng giềng thậm chí còn xếp hạng tốt hơn về môi trường kinh doanh”, ông Kalla nói.
Nhà máy sản xuất của GE Energy tại Hải Phòng. Ảnh: Đức Thanh |
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh (Doing Business) năm 2017, Indonesia đứng thứ 91, sau Việt Nam (vị trí 82) và Thái Lan (hạng 46). Và quả thực, với những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam trong những năm qua đang trở thành một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất khu vực ASEAN.
Năm ngoái, hơn 24,4 tỷ USD vốn FDI đã đăng ký vào Việt Nam, trong đó bao gồm cả phần góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 4 tháng đầu năm nay, có thêm 10,95 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, tăng 40,5% so với cùng kỳ.
Mới đây nhất, UBND TP.HCM đã quyết định lựa chọn liên danh Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), bao gồm 4 công ty thuộc Lotte (Lotte Asset Development Co. Ltd., Lotte Shopping Co. Ltd., Hotel Lotte Co. Ltd. và Lotte Engineering & Construction Co. Ltd.,) là nhà đầu tư triển khai dự án khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2a, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.
Dự án này đã được đề xuất từ năm 2015, dự kiến xây dựng trên diện tích hơn 50.000 m2, với các hạng mục như khu tài chính, thương mại, dịch vụ tổng hợp, khu dân cư đa chức năng.
Trong khi đó, thông tin từ báo chí nước ngoài cũng cho biết, chủ đầu tư của Dự án Liên hợp Thép Formosa (Hà Tĩnh) đang lên kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD vào dự án này. Có thể còn nhạy cảm trong thời điểm hiện nay khi nhắc tới Formosa, bởi những sự cố môi trường mà nhà đầu tư này gây ra ở miền Trung, song trên một bình diện nào đó, đây cũng là một động thái rất đáng chú ý trong thu hút FDI ở Việt Nam.
Chỉ cần 2 dự án trên được cấp chứng nhận đầu tư đã là một dấu ấn tích cực. Trong 4 tháng đầu năm, với 2 dự án tỷ USD của Samsung Display (2,5 tỷ USD) ở Bắc Ninh và của nhà đầu tư Nhật Bản (1,27 tỷ USD) ở Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (Kiên Giang), vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng.
Bởi thế, việc Indonesia coi Việt Nam là “đối thủ đáng gờm” cũng không phải là chuyện khó hiểu.
Như thế liệu đã đủ?
Việt Nam đang trở thành đối thủ đáng gờm của Indonesia trong thu hút FDI. Ở chiều ngược lại, chính Việt Nam cũng đang coi Indonesia là một đối thủ trong cạnh tranh thu hút FDI. Thực tế, Việt Nam đang “lép vé” so với cả Indonesia và Thái Lan trong cuộc đua này.
Theo thống kê của Hội đồng Điều phối đầu tư của Indonesia, năm 2016, Indonesia thu hút được 29,75 tỷ USD vốn FDI, cao hơn khá nhiều so với con số mà Việt Nam thu hút được.
Điều cũng đã luôn được nhắc đến trong thời gian qua là, thu hút FDI của Việt Nam vẫn “chưa là gì” so với Singapore, Thái Lan…, nhất là đối với dòng vốn đầu tư từ Mỹ hay Nhật Bản. Điều đó có nghĩa, Việt Nam sẽ còn phải nỗ lực hơn nữa trong cạnh tranh thu hút FDI.
Thêm vào đó, không phải chỉ vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam tăng cao là đã đủ. Trong 4 tháng đầu năm nay, vốn FDI giải ngân đã tăng chậm lại đáng kể, chỉ đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia nhắc đến để giải thích cho sự chậm lại này, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đình trệ, khiến nhà đầu tư phân vân, hay là chuyện sau sự cố Formosa, Việt Nam đã “chặt tay” hơn đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…
Nhưng dù là vì lý do gì, thì chuyện tốc độ tăng giải ngân vốn FDI chậm lại cũng đang trở thành một mối quan tâm lớn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi báo cáo Chính phủ tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4/2017 cũng đã nhấn mạnh việc “giải ngân vốn FDI còn chậm, chưa tương xứng với tốc độ gia tăng vốn cam kết”.
Chưa thể vội mừng khi Indonesia “ngại” Việt Nam trong thu hút FDI, bởi thực tế nhìn ra xung quanh, cạnh tranh còn rất gay gắt. |
Lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát lại các dự án FDI chậm triển khai, đi sâu vào nâng cao chất lượng thu hút FDI để tránh tình trạng “đầu tư mới tăng cao, nhưng giải ngân chậm” như hiện nay.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương cần có các giải pháp kiểm soát tổng mức đầu tư, diện tích đất sử dụng thực tế của dự án, kiểm soát vấn đề chuyển giá, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện về quy hoạch, đất đai, hạ tầng, lao động... để tiếp nhận các dự án chuyển sang giai đoạn đầu tư.
“Đồng thời, cũng phải làm sao tránh tình trạng biến Việt Nam thành nơi chuyển giao công nghệ lạc hậu, nhất là từ quá trình tái cân bằng tại Trung Quốc”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Như vậy, chất lượng dòng vốn FDI - xét đến cùng - vẫn là điều được quan tâm nhiều nhất. Chính vì thế, dù quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn FDI, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn cho rằng, phải kiên quyết đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm các dự án phù hợp với quy hoạch ngành, cam kết quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng như bảo vệ môi trường.
Do đó, chưa thể vội mừng khi Indonesia “ngại” Việt Nam trong thu hút FDI, bởi thực tế nhìn ra xung quanh, cạnh tranh còn rất gay gắt. Thêm nữa, vốn đăng ký thôi chưa đủ, quan trọng là thúc đẩy giải ngân và nâng cao chất lượng dòng vốn này.
Nguyên Đức / baodautu