Hầu hết các nhà mạng đều tung ra gói Internet tốc độ cao từ 20Mbps nhưng thật sự lại chưa đáp ứng đúng và đủ cho nhu cầu sử dụng Internet kết hợp các dịch vụ kèm theo như IPTV, VOD, Video Conference, IP Camera… nên người tiêu dùng vẫn “khát” dịch vụ băng thông rộng đúng nghĩa.
Người tiêu dùng vẫn “khát” dịch vụ băng thông rộng đúng nghĩa |
Vì sao băng thông rộng mà vẫn... chật?
Theo Internet World Stats, xu hướng người sử dụng Internet năm 2017 ở các quốc gia Châu Á chiếm gần một nửa người dùng Internet toàn cầu với 49,6%. Trong đó, Việt Nam tuy là một trong số những quốc gia nhỏ nhưng có số lượng người truy cập Internet đứng thứ 6 trong ở Châu Á và thứ 17/20 quốc gia có lượng người dùng internet nhiều nhất thế giới.
Cũng theo một số liệu mới nhất từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tháng 4/2013, cả nước mới có 210.000 thuê bao cáp quang thì đến tháng 4/2016 con số này đạt đến 4,5 triệu, tức là gấp 21 lần chỉ sau 3 năm. Và có 37% là thuê bao băng thông rộng cố định. Có nghĩa cứ 3 hộ gia đình thì có hơn một hộ chọn sử dụng băng thông rộng.
Thế nhưng, nhìn vào báo cáo mới nhất của Akamai, tốc độ truy cập mạng trung bình tại Việt Nam hiện chỉ là là 8.3Mbps. Một con số rất khác so với những gói internet từ các nhà mạng được đa phần người tiêu dùng lựa chọn trung bình từ 20-30Mbps.
Lý giải về thực trạng này, ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc Trung tâm VTV Digital cho rằng các dịch vụ băng rộng đang cung cấp còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và nhu cầu cần đáp ứng. Ví dụ về phát video trên truyền hình internet thường xuyên bị giật, lắc. Ông cho biết lý thuyết thì tốc độ mạng đủ cho phát video nhưng thực tế không hẳn vậy. Tốc độ mạng chưa phải là yếu tố duy nhất bảo đảm dịch vụ video vì còn phụ thuộc vào tính chất của nội dung. Hơn nữa, khi nhu cầu và thói quen xem tivi trên Internet ngày càng tăng cao, một thời điểm người xem đồng thời có thể đột biến lên đến nhiều triệu người (như truyền hình trực tiếp bóng đá, game show) thì với hạ tầng băng rộng hiện nay vẫn thường xuyên xảy ra hiện tượng nghẽn cục bộ. “Đây là bài toán khó của viễn thông liên quan đến quy mô đầu tư và phân tải băng thông”, ông Chiến kết luận.
Nhà mạng cần làm gì?
Trước thực trạng hạ tầng chưa thể cải thiện trong một sớm một chiều, nhiều nhà mạng đưa ra kênh thuê riêng (Leased Line Internet) với hạ tầng truyền dẫn Internet bằng cáp quang được thiết kế chuyên biệt, độc lập, bảo mật hoàn toàn dành riêng và có cổng kết nối quốc tế riêng biệt dành cho các văn phòng, công ty có yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, chúng lại không phù hợp với nhu cầu của gia đình vì mức giá khá cao và nhiều tính năng sẽ không sử dụng đến.
Hiện tại, gói cước dành cho gia đình được đánh giá cao và ổn định thì có thể kể đến gói Fast 20 của Viettel với băng thông trong nước 20Mbps, băng thông quốc tế 256bps. FPT Telecom với những gói cước F2 đến F5 trải dài từ 22Mbps lên đến 45Mbps ở khoảng giá thuê bao chỉ từ 220 nghìn đến 370 nghìn/tháng, có mức giá ưu đãi riêng cho gói combo truyền hình…
Nhưng cũng từ đây, để cạnh tranh so kè về giá, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các chiêu thức không lành mạnh. Hơn nữa, hệ thống Internet cáp quang hay hệ thống FTTX, FTTH thực chất khác ở phần truy cập của mạng Internet là qua cáp quang, phần còn lại như không có gì thay đổi so với hệ thống trước đó là ADSL. Chính vì vậy băng thông kết nối quốc tế không có gì thay đổi hoặc nếu có thay đổi là do nhà cung cấp đã nâng băng thông của mình lên.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin mới đây nhất, một nhà mạng Việt Nam đang nghiên cứu gói cước siêu khủng với tốc độ nhanh gấp 100 lần so với tốc độ sử dụng Internet trung bình thông thường, lên tới tới 1Gbps. Đặc biệt cung cấp đường truyền riêng cho mỗi gia đình, giải quyết được triệt để tất cả tình trạng hạn chế kể trên. Sản phẩm sẽ được đưa ra vào đầu tháng 5/2017. Nếu đúng, đây là một sản phẩm đáng mừng cho người dùng và thúc đẩy ngành viễn thông Việt Nam đi lên.
Theo PV
Ictnews