Lương bình quân của nhân lực ngành công nghệ thông tin Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Myanamar và Bhutan...
Mặc dù có trình độ tương đương Malaysia, Thái Lan… nhưng lương bình quân của nhân lực ngành công nghệ thông tin Việt Nam chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Myanamar và Bhutan, bà Nguyễn Thu Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), cho biết tại Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản lần thứ 10 (Japan ICT Day 2016), ngày 26/10.
Theo VINASA, số kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam thời điểm hiện tại là khoảng hơn 190 nghìn người, tăng 2,7 lần trong 10 năm qua. Số lượng nhân lực và mức tăng trưởng này vẫn khá thấp so với nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiên nay. Xét về doanh thu, cũng trong khoảng thời gian trên, ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đã tăng 5 lần, từ 600 triệu USD lên 3,2 tỷ USD.
Năng suất và giá trị sản lượng lao động trong ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam cũng cao hơn các ngành kinh tế khác trong nước từ 3 đến 10 lần, trong đó, tỉ lệ hàm lượng giá trị Việt Nam trong doanh thu của ngành rất cao, đạt tới 90 - 95%.
Theo VINASA, nhiều năm qua, Việt Nam luôn nằm trong top những quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm nhờ vào nguồn nhân lực chất lượng và chi phí cạnh tranh.
Tuy nhiên, một thực tế, so với Malaysia, Thái Lan - những quốc gia mà kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam có trình độ trương đương - thì nhóm kỹ sư có kinh nghiệm cao của Việt Nam có mức lượng thấp hơn 2-3 lần so với kỹ sư của Malaysia và Thái Lan, với mức thu nhập khoảng 2.000 USD so với 4.000 – 6.000 USD.
Theo số liệu của Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại dương (ASOCIO), lương bình quân của kỹ sư mới ra trường là 280 USD/tháng, kỹ sư sau 3 năm kinh nghiệm là 520 USD/tháng, quản lý cấp trung là 1.000 USD/tháng và quản lý cấp cao là 2.000 USD/tháng, bằng 1/3 Malaysia, ¼ so với Đài Loan và 1/5 so với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Do có mức thu nhập thấp nên hiện tại Việt Nam được đánh giá đang có lợi thế cạnh tranh so với nhiều quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines… trong việc thu hút các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, mức lương bình quân trong ngành này được dự báo sẽ ngày càng tăng nhanh, do nhiều yếu tố như, các chi phí sản xuất ngành nói nói chung đều tăng, mức lương chi trả của các doanh nghiệp tăng, nguồn nhân lực thiếu hụt…, do vậy Việt Nam sẽ không còn nhiều lợi thế trong ngành này về mức chi phí (lương) cho nhân lực công nghệ thông tin.
Tại Japan ICT Day 2016, nhiều chuyên gia cho rằng, khi chi phí cho nhân lực công nghệ thông tin tăng cao sẽ là một thách thức lớn trong việc thu hút các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bởi họ sẽ tính toán trong việc lựa chọn và có thể sẽ chuyển sang các nước khác có mức chi phí thấp hơn.
Theo Thủy Diệu
VnEconomy