Năm 2020 có 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt, riêng tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%. Kế hoạch năm 2021, GDP tăng từ 6-6,5%.
Kinh tế - xã hội năm 2020 có nhiều điểm sáng
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 2020, dự kiến kế hoạch 2021 tại phiên thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội ngày 25/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2020 có 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt.
Thứ trưởng cũng đề cập nhiều điểm sáng của năm 2020, đó là Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế xã hội. Người dân và doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời, đến hết tháng 8/2020, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với tổng số dư nợ vay trên 3 triệu tỷ đồng; giảm giá tiền điện 9,2 nghìn tỷ đồng; gia hạn nộp trên 66 nghìn tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ 12,4 nghìn tỷ đồng cho gần 12,5 triệu người dân và 23 nghìn hộ kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương
Kết quả tích cực còn được thể hiện qua sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh: tốc độ tăng trưởng cả năm 2020 ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao. Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,5-3,9% (mục tiêu là dưới 4%). Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,6% GDP (mục tiêu là 33-34% GDP).
Năm 2020 cũng thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài tốt với tổng số vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 20 tỷ USD; dự kiến có nhiều tập đoàn công nghệ và công nghiệp phụ trợ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Nêu những hạn chế của nền kinh tế, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá: chất lượng chuẩn bị dự án đầu tư công còn hạn chế; thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra. Cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước không đạt kế hoạch. Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước tăng; đổi mới khu vực sự nghiệp công chưa đáp ứng yêu cầu.Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của một bộ phận người lao động, người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhất là ở khu vực thành thị; triển khai các chính sách hỗ trợ có nơi còn chậm.
Năm 2021, GDP tăng khoảng 6- 6,5%
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu dự kiến 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó GDP tăng khoảng 6-6,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%...
Đồng thời, năm 2021 cần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế về tích lũy, tiêu dùng; ngân sách nhà nước; xuất, nhập khẩu hàng hóa; điện; lương thực; trong đó: tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng so với GDP khoảng 71,3%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4% GDP; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 5%; sản lượng lương thực đạt khoảng 43 triệu tấn... ông Phương nói.
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đầu tiên cho năm sau được Thứ trưởng nêu là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Vận hành đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ phù hợp để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp và người dân, nhất là người lao động thiếu việc làm, mất việc làm, giảm sâu thu nhập, Thứ trưởng báo cáo.
Báo cáo đầy đủ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu một số cân đối lớn của năm 2021, như:
Tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng so với GDP khoảng 71,3%, tỷ lệ tích lũy tài sản cố định so với GDP khoảng 28,7%, tỷ lệ tiết kiệm so với GDP khoảng 28%.
Về cân đối ngân sách, tổng thu ước đạt khoảng 1.342 nghìn tỷ đồng; tổng chi ước đạt khoảng 1.686 nghìn tỷ đồng; bội chi khoảng 344 nghìn tỷ đồng. Nợ công bằng khoảng 46-48% GDP, nợ Chính phủ bằng khoảng 40-42% GDP.
Cân đối xuất, nhập khẩu hàng hóa: tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt trên 554,4 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 5%, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng khoảng 5,4%, xuất siêu gần 2,3% kim ngạch xuất khẩu.
Về cân đối điện: Tổng công suất đặt các nguồn điện dự kiến đạt khoảng 66,9 nghìn MW, tăng khoảng 10,3% so với năm 2020. Tỷ lệ dự phòng công suất nguồn điện (không bao gồm điện gió và điện mặt trời) khoảng 21,3%. Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt từ 268,0 tỷ kWh đến 269,9 tỷ kWh, tăng khoảng 10,9% so với năm 2020. Điện thương phẩm đạt khoảng 235,23 tỷ kWh, tăng khoảng 9,3% so với dự kiến năm 2020.
Cân đối lương thực dự kiến sản sản lượng lúa đạt khoảng 43 triệu tấn, tương đương với năm 2020. Sản lượng thịt hơi đạt khoảng 5,7 triệu tấn, tăng khoảng 6,6% so với năm 2020, trong đó sản lượng thịt lợn đạt 3,7 triệu tấn, tăng khoảng 6,2% so với năm 2020. Sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,9 triệu tấn, tăng khoảng 4%.