Vị trí: nằm song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc (tỉnh An Giang) đến sông Giang Thành, thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang).
Đặc điểm: đây là con kênh đào lớn nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Kênh Vĩnh Tế được khởi công xây dựng vào tháng 12 năm 1819 dưới triều Vua Gia Long (1802 – 1820) và hoàn thành vào tháng 5 năm 1824 dưới triều Vua Minh Mạng (1820 – 1840) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương giữa các địa phương với các nước lân cận. Chỉ huy chính của công trình là Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu (1761 – 1829), người đã có công lớn trong việc đào dòng kênh nối rạch Long Xuyên (An Giang) với hệ thống thủy đạo ở Rạch Giá (Kiên Giang). Tên của ông đã được triều Nguyễn lấy để đặt tên cho dòng kênh là Thoại Hà; đồng thời đặt tên ngọn núi Sập bên bờ phía đông của kênh Thoại Hà là Thoại Sơn.
Kênh Vĩnh Tế được thi công ở nơi “đồng không mông quạnh”, thiếu thốn mọi bề, sơn lam chướng khí khiến nhiều nhân công lâm bệnh tật. Do vậy, trong vòng 5 năm, việc đào kênh Vĩnh Tế phải hoãn lại 2 lần. Vượt qua mọi khó khăn, quan dân nhà Nguyễn với sự giúp sức của Campuchia đã hoàn thành việc đào kênh Vĩnh Tế có chiều dài 87km, độ rộng trung bình 30m, độ sâu trung bình khoảng 2,55m.
Khi công trình hoàn thành, Vua Minh Mạng đã ra lệnh ban thưởng trọng hậu cho chỉ huy chính của công trình là Thoại Ngọc Hầu cùng các quan có công và quốc vương Campuchia. Nhà vua đặt tên dòng kênh theo tên bà Châu Thị Vĩnh Tế (1761 – 1862), phu nhân của Thoại Ngọc Hầu, người phụ nữ tài năng, đức độ, có công giúp chồng trong việc xây dựng kênh.
Năm Minh Mạng thứ 8 (1828), nhà vua còn cho dựng bia ở núi Sam (An Giang) ghi lại quá trình xây dựng kênh Vĩnh Tế; đồng thời ra lệnh tổ chức lễ tế các binh lính và sưu dân đã bỏ mạng trong quá trình đào kênh và giao cho Thoại Ngọc Hầu soạn “Tế nghĩa trủng văn” để đọc ở buổi lễ.
Kênh Vĩnh Tế là công trình có giá trị to lớn về chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại cũng như phát triển vùng biên viễn trên toàn bộ khu vực Tây Nam từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Hiện nay, con kênh này vẫn giữ vai trò quan trọng về trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của người Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển của triều Nguyễn.
Phạm Phương