Thương lái Trung Quốc ồ ạt mua thủy sản với giá cao đẩy người nông dân vào cuộc chạy đua tăng sản lượng, mở rộng diện tích, rồi đến mùa vụ sau, người dân nuôi cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đối mặt với tình cảnh trớ trêu “trông trăng trăng khuyết, trông người người xa”.
Ảnh minh họa
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phát đi lời cảnh báo về hiện tượng thương lái Trung Quốc tăng cường mua cá tra non cỡ nhỏ từ 350-400 gram/con tại ĐBSCL. Điều kỳ lạ là, trong khi loại cá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (trọng lượng 800-900 gram/con) có giá khoảng 22.000 đồng/kg thì cá non lại được săn tìm mua với giá khoảng 22.500-23.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, việc thu mua cá tra diễn ra giữa bối cảnh doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra trong nước đang thiếu nguyên liệu sản xuất. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng đầu năm 2016, tổng diện tích nuôi cá tra đạt trên 5.100ha, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng cá giống nuôi ước đạt gần 1,4 tỷ con, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2015. Hơn nữa, VASEP dự báo quý IV năm nay, vùng ĐBSCL khả năng chỉ còn khoảng 300 nghìn tấn cá nguyên liệu trong khi nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ tăng cao trong thời gian tới, nhất là tại thị trường châu Á. Riêng trong tháng 11, do thiếu nguyên liệu, các nhà máy chế biến cá tra đã phải giảm 30% công suất so với tháng 10... Thực trạng đó đang khiến giá cá tra tăng nóng từng ngày.
Còn nhớ, vài tháng trước, cũng chính bà con nuôi cá tra ở ĐBSCL đã phải “quay cuồng” vì giá cá tra tăng, giảm theo chiêu trò “làm giá” của thương lái. Vào khoảng giữa năm 2016, thương lái Trung Quốc ồ ạt mua cá tra quá lứa, quá cỡ, khiến người dân vừa ngạc nhiên vừa... vui mừng. Mừng vì giải thoát hàng tồn đọng. Ngạc nhiên vì cá quá lứa, quá cỡ thường chỉ có thể bán ra chợ với giá rất rẻ. Hưởng “mật ngọt” chưa lâu, nhiều người đã tăng thời gian nuôi cá nhưng đến lúc thu hoạch thì thương lái ngưng mua, cá quá kích cỡ không thể chế biến để xuất khẩu, người dân nuôi cá điêu đứng.
Kịch bản cũ dựng lại, diễn viên không mới… nhưng dường như nông dân vẫn bị “mê hoặc”. Theo ý kiến của các chuyên gia, nông dân thường thích bán hàng cho thương lái do không bị kiểm soát chất lượng, thanh toán ngay bằng tiền mặt... Nhưng cái gì dễ dàng thì lắm rủi ro.
Mải say mê với những cơn sóng giá ảo, đến lúc thương lái ra đi, người nuôi cá chỉ biết ngác ngơ vì “người là mây viễn du, để lại đằng sau tiếng ai thở dài”, buồn thay!
Nguyễn Phượng / baocongthuong