TP HCM cam kết lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm tiêu chí cho mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư của TP.
Ngày làm việc thứ hai tại Indonesia (22-8), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân và đoàn lãnh đạo cấp cao của TP đã nghe đại diện Dự án NCICD (National Capital Integrated Coastal Developmen, quốc gia tích hợp phát triển ven biển) trình bày về Seawall (bức tường ven biển để chống ngập).
55 tỉ USD làm "lá chắn"
Dự án có chiều dài 120 km xây dựng đê ven biển, ven sông, qua 3 giai đoạn: xây dựng đê ven biển, đê ngoài biển phía Tây và cuối cùng là xây dựng đê ngoài biển phía Đông. Ngoài ra, công trình này còn tích hợp xây dựng công trình giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng... Tổng kinh phí dự án là 55 tỉ USD.
Trong năm 1990, khoảng 12% diện tích (khoảng 1.600 ha đất) ở phía Bắc Jakarta nằm dưới mực nước biển. Tuy nhiên, vào năm 2030, ước tính gần 90% diện tích (12.500 ha đất) ở Bắc Jakarta sẽ nằm dưới mực nước biển. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do xây dựng thiếu quy hoạch và triển khai tràn lan các hệ thống ống cống, khai thác nước ngầm…
Năm 2007, Indonesia gặp cơn bão đi kèm thủy triều dâng khiến gần 1/2 Jakarta bị ngập trong 4 m nước. Sau cơn bão, vài phương án được đưa ra nhưng không khả thi. Cho đến năm 2019, Indonesia thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển đê biển tại thủ đô Jakarta nhằm kiểm soát sụt lún mặt đất, phòng chống lũ lụt từ biển và sông cho Jakarta. Dự án có sự hợp tác giữa Indonesia, Hà Lan và Hàn Quốc. Đây được xem là giải pháp tích hợp phòng chống ngập lụt, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác nước ngầm. Theo đó, một hệ thống đê khổng lồ gồm 60 km đê biển, 60 km đê sông được triển khai thực hiện từ năm 2019-2050. Hệ thống đê biển này sẽ tích hợp các chức năng như ngăn nước biển dâng, làm hồ chứa nước và phát triển các công trình giao thông, nhà ở phía trên. Cũng theo tính toán của nhóm chuyên gia, chỉ cần đầu tư khoảng 8 tỉ USD để thực hiện dự án thì có thể thu khoảng 55 tỉ USD lợi ích kinh tế từ dự án.
Trước khi tiến hành dự án xây tường chống ngập, giới chức Indonesia cũng phải tiến hành khảo sát hiện trạng sụt lún của Jakarta đến năm 2025. Chi phí cho các cuộc khảo sát được cho là lên tới khoảng 7,7 tỉ USD. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng có thể thực hiện chính sách kiểm soát việc sử dụng các nguồn nước ngầm bằng cách cải thiện hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt. Hiện nay, Indonesia đang xây dựng 20 km đê biển, có một số cầu nên tuyến đê còn hở. Việc xem xét khép kín hệ thống đê sẽ được cân nhắc tùy thuộc vào thực tế về tình trạng ngập lụt và sụt lún mặt đất. Để có nguồn kinh phí đầu tư thực hiện các dự án đê biển, một giải pháp được đề xuất là yêu cầu các đối tượng hưởng lợi từ dự án đê này có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho việc thực hiện dự án. Đồng thời, thực hiện dự án theo phương thức hợp tác công tư. Thêm vào đó, việc xây dựng đê đa dụng cũng giúp phát triển dân cư, thương mại và phát triển đường vành đai.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm thực địa MRT và hệ thống xe buýt Transjakarta Ảnh: TỐ TRÂM
Tạo thuận lợi cho DN đến TP HCM làm ăn
Cũng trong sáng 22-8, đoàn đã đến thăm văn phòng, thực địa MRT (giao thông công cộng cao tốc) và hệ thống xe buýt Transjakarta. Thủ đô Jakarta hiện có khoảng 28 triệu dân, 10 triệu phương tiện giao thông. Tắc nghẽn giao thông đe dọa nghiêm trọng đối với hoạt động của Jakarta. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là tăng tỉ lệ di chuyển công cộng từ 23% hiện nay lên 60% vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, Indonesia phải thay đổi cách quản lý bằng việc ứng dụng công nghệ, tích hợp dữ liệu vận tải công cộng và cá nhân để có dữ liệu tổng hợp, toàn diện cho hệ thống giao thông đường bộ; điều hành hệ thống sẽ có một trung tâm giám sát. Ngoài xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, thu phí đậu xe thì phân tuyến xe buýt hợp lý cho các tuyến đường đông khách, huy động taxi vào hợp tác xã (mặc đồng phục, nhà nước trả lương) để đón khách từ các con hẻm, không sử dụng xe buýt quá 10 tuổi, có đường dành riêng cho xe buýt... Mỗi năm nhà nước bỏ ra 300 triệu USD để "mua chỗ cho người dân đi" (trợ giá vận tải công cộng).
Chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã gặp gỡ doanh nghiệp (DN) Indonesia tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP HCM. Trao đổi tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cung cấp thông tin về TP cho DN Indonesia. "Tại TP HCM, tính đến hết năm 2018, Indonesia có 33 dự án đầu tư tại TP HCM với tổng vốn là 28 triệu USD. Kim ngạch thương mại hai chiều TP HCM - Indonesia được duy trì ổn định, đạt hơn 1 tỉ USD. TP đã đón gần 16.000 lượt khách Indonesia đến thăm trong năm 2018. Đề án đô thị thông minh đang là hành trình đột phá của TP. TP HCM sẽ đổi mới cơ chế, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN nước ngoài làm ăn lâu dài và hiệu quả tại TP" - ông Võ Văn Hoan nói. Nhiều DN Indonesia cũng quan tâm đến vấn đề đầu tư vào bệnh viện, điều kiện hoạt động của bác sĩ nước ngoài tại Việt Nam, nhập khẩu dược phẩm, xây dựng nhà máy sữa....
Phát biểu kết thúc buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhắn gửi: "Sự phát triển của TP có được là nhờ vào sự đóng góp tích cực của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có DN Indonesia. TP ghi nhận sự đóng góp đó. TP luôn tạo thuận lợi cho các DN hoạt động tại TP, mang lại lợi ích cho cả hai bên. TP cam kết lấy sự hài lòng của DN là tiêu chí cho mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư của TP".
Chiều cùng ngày, đoàn đến Bộ Kế hoạch Phát triển quốc gia Indonesia, chào xã giao ông Bambang Brodjonegoro, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển quốc gia Indonesia. Tại đây, đoàn đã tìm hiểu về tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế của Indonesia; tìm hiểu cách thức, khó khăn, lợi thế của Indonesia trong việc hoạch định chiến lược quốc gia; khai thác cơ hội hợp tác giữa hai bên. Sau đó, đoàn cũng đến làm việc tại Viện Tự cường quốc gia Indonesia (NRI). NRI là cơ quan nghiên cứu và tham mưu chính sách hàng đầu của Indonesia, đặt dưới sự chỉ đạo của tổng thống.
Theo Tố Trâm - Xuân Mai
Người lao động