Mặc dù trích lập dự phòng rủi ro đã “bào mòn” không ít lợi nhuận của ngân hàng, nhưng sức ảnh hưởng của nó đến đâu thì lại phụ thuộc vào “sức khoẻ” của từng nhà băng.
Biểu đồ: BizLIVE
Trích lập dự phòng vẫn tăng đều
Trong mấy năm gần đây, áp lực trích lập dự phòng giải quyết nợ xấu của các nhà băng đã không còn là vấn đề mới mẻ. Một trong những nguyên nhân chính là nhằm thực hiện quy định phân loại nợ theo tinh thần Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
Thống kê 10 ngân hàng Việt Nam mới công bố báo cáo tài chính quý IV/2016 gồm Ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB, MBB, Sacombank, ACB, VIB, NCB và Eximbank cho thấy, 7/10 ngân hàng tăng trích lập dự phòng cho năm 2016 với tổng trích lập dự phòng của 10 ngân hàng đạt 27.751 tỷ đồng, tăng 13,93% so với năm 2015.
BIDV là một trong những ngân hàng tăng trích lập dự phòng mạnh nhất trong nhóm khảo sát. Chỉ tính riêng trong quý IV/2016, ngân hàng này đã trích lập tới hơn 2.301 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Điều này khiến lợi nhuận trước thuế thu về chỉ còn gần 1.977 tỷ đồng, giảm 18% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước dù lợi nhuận thuần tăng nhẹ 3,6%. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 1.564 tỷ đồng, giảm 16%.
Tính cả năm 2016, BIDV trích lập dự phòng gần 9.274 tỷ đồng, tăng tới 63,4% so với năm 2015 và chiếm tới 54,5% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Tương tự, SHB cũng nằm trong top các ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng trong năm qua. Riêng trong quý IV/2016, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã đánh bay hơn 72% lợi nhuận của SHB trong quý IV, ghi nhận mức chi phí 797 tỷ đồng; cả năm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 1.267,8 tỷ đồng, tăng 57,14% so với năm 2015.
Ngân hàng ACB cũng dành tới gần 655 tỷ đồng cho việc trích lập dự phòng trong quý IV/2016, gấp 10 lần cùng kỳ. Luỹ kế cả năm 2016, tổng trích lập dự phòng của ngân hàng đạt gần 1.218 tỷ đồng, tăng 37,67% so với năm 2015.
Lợi nhuận vẫn tăng
Mặc dù trích lập dự phòng rủi ro đã “bào mòn” không ít lợi nhuận của ngân hàng, nhưng sức ảnh hưởng của nó đến đâu thì lại phụ thuộc vào “sức khoẻ” của từng nhà băng.
Như BIDV, trong năm 2016, mặc dù lợi nhuận thuần của ngân hàng tăng mạnh tới 24,8% so với cùng kỳ, nhưng do trích lập dự phòng tăng vọt, “ăn mòn” tới hơn nửa lợi nhuận khiến cho lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ đạt gần 7.735 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ và lỡ hẹn với kế hoạch lãi 7.900 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm nay.
Dù vậy, nhìn chung, dù trích lập dự phòng tăng khá mạnh, nhưng lợi nhuận của đa số nhà băng đều chứng kiến sự tăng trưởng so với năm trước.
Trong nhóm khảo sát, ngoại trừ BIDV và Sacombank, các ngân hàng khác đều có lợi nhuận tăng trưởng từ 10 đến vài chục % so với năm 2015. Trong đó, đáng chú ý có trường hợp của Eximbank khi ngân hàng này báo lợi nhuận năm lên tới hơn 390 tỷ đồng, tương đương tăng 542% so với 2015. Hai “ông lớn” là Vietcombank và Vietinbank tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá tốt là 24,75% và 16,1%.
Trần Thúy / BizLIVE