Du khách lo ngại về tình hình dịch, không còn tâm lý đi du lịch dẫn đến hàng loạt tour bị hủy, nhiều điểm tham quan đìu hiu.
Vợ chồng anh Phạm Phú Toàn, 31 tuổi, cùng con gái 3 tuổi, tới cảng du lịch mới phường Vĩnh Trường sáng 2/8. Những du khách đến từ Hà Nội này đeo khẩu trang, lên ca nô theo một đoàn khách khác tham quan vịnh Nha Trang.
Cảng du lịch mới ở TP Nha Trang, hôm 2/8 vắng khách hơn so với mọi khi. Ảnh: Xuân Ngọc.
Gia đình anh Toàn lên kế hoạch từ đặt vé máy bay, khách sạn, điểm tham quan từ hơn tháng trước. Cận ngày khởi hành thì Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương, cả hai đắn đo mãi. Cân nhắc thấy nơi mình định đến chưa có ca nhiễm, vợ chồng anh quyết định lên đường.
"Du lịch trong lúc này cũng có tâm lý, nhưng ở đây công tác phòng chống dịch khá tốt, chúng tôi an tâm", anh Toàn nói.
Trong ba ngày lưu lại tại phố biển, gia đình anh tới các đảo, tham quan danh thắng trong thành phố và mua một ít hải sản khô làm quà. Khi trở về sẽ báo với chính quyền địa phương, khai báo y tế, đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe và theo dõi theo quy định, nam du khách cho hay.
Lượng khách đến cảng du lịch mới sụt giảm, chủ yếu chỉ còn các đoàn đã đặt từ trước, không còn cảnh đông đúc. Dọc hành lang, các biển thông báo được dựng lên, hệ thống loa phát thanh liên tục phát các bản tin "phòng chống Covid-19". CSGT đường thủy, lực lượng biên phòng cùng Ban quản lý rảo quanh, nhắc nhở du khách đeo khẩu trang.
Đang đưa đoàn 21 người đến từ miền Bắc, hướng dẫn viên Lương Hoàng Thanh, 24 tuổi, nói những ngày gần đây, tour bị hủy nhiều. Tuần trước, công ty anh dẫn 5-6 đoàn mỗi ngày, nhưng giờ chỉ còn một hai đoàn. Số đông khách đi thời điểm này đều lo lắng, tâm lý không thoải mái vì sợ dịch. "Tình hình dịch bệnh kéo dài, anh em làm du lịch có nguy cơ thất nghiệp", nam hướng dẫn viên bày tỏ lo ngại.
Biển Nha Trang khá vắng người sáng 2/8, chính quyền gắn biển về phòng chống Covid-19. Ảnh: Xuân Ngọc.
Theo Ban quản lý cảng, lượng khách đầu tháng 8 có chiều hướng giảm, so với tháng trước. Cuối tuần, khách thường đông. Tuy nhiên, hôm thứ 7 chỉ hơn 1.800 khách với gần 140 tàu thuyền và ca nô xuất bến (trong khi cuối tuần trước, mỗi ngày trung bình hơn 8.700 lượt khách). Thống kê tháng 6, gần 58.000 lượt; tháng 7 khoảng 129.000 lượt.
Dọc bãi biển đường Trần Phú, cảnh đông đúc cũng không còn như những ngày trước. Hôm nay, biển động, chủ yếu người dân địa phương và một số du khách ngước ngoài xuống tắm, tập thể dục. Hàng loạt ghế đặt trên bãi cát rất ít người thuê.
Chính quyền địa phương cũng ra văn bản dừng các hoạt động tập trung đông người toàn tuyến công viên biển. Phòng Quản lý Đô thị TP Nha Trang, bắt đầu từ 31/7 không tiếp nhận hồ sơ sơ xin phép tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người tại bãi biển, đến khi có thông báo mới.
Là địa điểm tham quan nổi tiếng, Tháp bà Ponagar trên đường 2 Tháng 4, đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Du khách phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt trước khi vào tham quan. Nhân viên khu di tích giám sát, nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, không tập trung đông. Mặt khác, hệ thống loa liên tục phát thông báo việc chung tay phòng Covid-19, đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Ban quản lý Di tích Khánh Hòa cho biết, trước khi Covid-19 bùng phát trở lại, tính riêng trong tháng 7, có 100.000 lượt đến Tháp bà Ponagar; đông nhất là vào cuối tuần khi mỗi ngày chừng 4.000 lượt.
Tuy nhiên, hôm 1/8 rơi vào thứ bảy nhưng chỉ chỉ có 1.200 lượt, còn chủ nhật chỉ 800 lượt. "Tuy nhiên con số này được dự đoán sẽ giảm trong những ngày tới, trước diễn biến của dịch bệnh", ông Dũng nói.
Những địa điểm tham quan trên vịnh Nha Trang như Hòn Tằm, Làng Chài, Hòn Sỏi (Sỏi - Island) cũng ở cảng tương tự. Chẳng hạn, Sỏi - Island, trung bình đón 400 lượt khách mỗi ngày trong tháng 7, nhưng giờ mỗi chỉ còn khoảng 100 khách. Tại Đảo Khỉ ở vịnh Nha Phu, hồi tuần rồi hơn 1.000 khách, song giờ bị hủy tour đồng loạt, kéo theo khách đến giảm sâu.
Cách trung tâm thành phố Nha Trang gần 40 km, khu du lịch Yangbay, huyện miền núi Khánh Vĩnh, vừa khởi sắc chưa được bao lâu thì lại đối mặt với khó khăn. Đầu tháng 8, mỗi ngày chỉ đón 40-50 lượt khách. Trong khi, hai ngày cuối tuần trước, nơi đây đón khoảng 700-800 khách.
Nhiều doanh nghiệp du lịch ở Khánh Hòa cho hay, đang trong mùa cao điểm du lịch hè, hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ, homestay đã có khách đặt kín phòng trong tháng 8.
Từ tháng trước, các công ty rục rịch khởi động, lên kế hoạch thiết kế lịch trình từ nơi đi, đến, địa điểm tham quan, ăn uống và xe cộ để khách có trải nghiệm tốt nhất. Tuy nhiên, cuối tháng 7, dịch bùng phát trở lại, khách có tâm lý lo ngại khi đi du lịch. Hàng loạt tour bị hủy, khiến các doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao.
Doanh nghiệp dùng máy đo thân nhiệt từ xa để phòng dịch bệnh khi khách đến tham quan. Ảnh: Xuân Ngọc.
Theo Sở Du lịch, trong tháng 7, toàn tỉnh đón 154.000 lượt khách, cao hơn so với tháng trước 41.500 lượt. Du lịch có khởi sắc nhưng dịch bùng phát, những kỳ vọng tăng trưởng bị gián đoạn.
Sở Du lịch đã làm việc với các doanh nghiệp, khách sạn, cơ sở lưu trú hướng dẫn khách khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Khi phát hiện khách có dấu hiệu ho, sốt phải đến cơ sở y tế khai báo, hạn chế dịch lây lan
UBND tỉnh ra quyết định dừng lễ hội, sự kiện đông người; người dân ra đường phải đeo khẩu trang. Hành khách đi máy bay, tàu hỏa, ôtô vào tỉnh phải đo thân nhiệt, khai báo y tế đảm bảo phòng chống nCoV.
Trong đợt tái bùng phát Covid-19, Khánh Hòa ghi nhận một ca nhiễm nCoV. Đến 1/8, địa phương có 612 người đang cách ly, trong đó 522 người Việt trở về từ Mỹ và Đài Loan.