Dù Luật Nhà ở 2014 cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, nhưng vẫn rất ít người nước ngoài đứng tên mua nhà. Lý do là vì thủ tục còn vướng quá nhiều.
Theo Luật Nhà ở 2014 thì những người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cũng có thể sở hữu nhà ở Việt Nam.
Trong đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều) được chia làm 2 trường hợp được phép mua nhà tại Việt Nam, đó là người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam cấp, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài cấp. Ngoài ra, người nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài cấp cũng được mua nhà.
Sau 1 năm Luật Nhà ở 2014 được áp dụng, chỉ mới có khoảng 700 người nước ngoài mua được nhà tại TP.HCM, nhưng đa số là Việt kiều nhờ người nhà đứng tên hộ
Tuy nhiên, đến nay số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam khá thấp. Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thì sau 1 năm luật được áp dụng, chỉ mới có khoảng 700 người nước ngoài mua được nhà tại TP.HCM, nhưng đa số là Việt kiều nhờ người nhà đứng tên hộ.
Ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty Phú Long cho biết, các dự án của Phú Long vẫn chưa có người nước ngoài nào mua, chỉ có người nước ngoài có vợ hoặc chồng là người Việt Nam đứng tên mua nhà dự án.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hưng Thịnh Land cũng cho biết, chỉ có khoảng 10 hồ sơ mua bán là người nước ngoài và những người này là người Việt Nam mang quốc tịch nước ngoài chứ không phải người nước ngoài chính hiệu.
Lý giải điều này, các chuyên gia bất động sản cho rằng, dù Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015/NĐ-CP (Nghị định 99) hướng dẫn luật đã bỏ các quy định cấm người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, nhưng vẫn khó thực hiện. Đơn cử, trong luật quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi “được phép nhập cảnh vào Việt Nam”, tức là cơ quan Việt Nam “cho phép”, không cần phải vào lãnh thổ Việt Nam trên thực tế. Nhưng Nghị định 99 quy định thêm điều kiện “có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh vào hộ chiếu”, nghĩa là phải vào lãnh thổ Việt Nam trên thực tế, dẫn đến có những cách hiểu khác nhau.
Luật Nhà ở 2014 quy định dự án nhà ở phải đủ điều kiện mới được mở bán. Như vậy, những người ở nước ngoài muốn về Việt Nam đúng thời điểm mua (ký hợp đồng với chủ đầu tư) sẽ rất khó sắp xếp. Chủ đầu tư cũng không thể ngồi chờ họ xin được thị thực Việt Nam hay về Việt Nam để mua nhà. Những đối tượng này muốn mua được nhà ở chỉ còn cách tìm người “giữ chỗ” trước khi dự án mở bán hoặc nhờ người trong nước “mua trước” để sau này nhận chuyển nhượng hợp đồng hoặc mua lại khi được cấp giấy chứng nhận.
Mặt khác, điểm C, Khoản 2, Điều 162 Luật Nhà ở quy định cá nhân nước ngoài phải thực hiện thanh toán tiền mua, thuê mua nhà ở thông qua tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam cũng gây khó khăn cho người nước ngoài muốn mua nhà.
Từ những vấn đề trên, các chủ đầu tư bất động sản đề xuất, cần phải đơn giản hóa thủ tục theo đúng tinh thần của Luật Nhà ở 2014, các đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam cấp sẽ không bị ràng buộc về điều kiện “được phép nhập cảnh vào Việt Nam”. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài thì chỉ cần xin thị thực Việt Nam là đủ điều kiện mua nhà ở mà không cần phải vào lãnh thổ Việt Nam trên thực tế. Những đối tượng trên có thể ủy quyền cho người trong nước tham gia ký kết hợp đồng với các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, không phải tốn tiền và thời gian để về Việt Nam.
Gia Huy / baodautu.vn