Theo Tổng cục du lịch, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm lên 3.212.480 lượt khách, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016.
Tại phiên họp chính phủ thường kỳ sáng 3/4, chính phủ đã nhấn mạnh du lịch là một trong 10 điểm sáng kinh tế Việt Nam đầu năm 2017. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục du lịch - Bộ văn hóa, thể thao và du lịch: Việt Nam đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế trong quý đầu tiên của năm 2017. Như vậy, đây là tháng thứ 3 liên tiếp Việt Nam đón trên 1 triệu lượt khách mỗi tháng, nâng tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 tháng đầu năm lên 3.212.480 lượt khách, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016.
Lượng khách quốc tế đến kỷ lục kể từ năm 2012
Số liệu thống kê từ Tổng cục du lịch qua các năm cho thấy nếu lượng khách quốc tế đến Việt Nam 3 tháng đầu năm nay đạt số kỷ lục kể từ năm 2012. Trong đó, lượng khách đến theo đường hàng không tiếp tục chiếm tỷ lệ lớn, trong quý I ước đạt 2.631.582 lượt, chiếm 81,9%, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách hàng đầu Việt Nam với số lượng khách trong quý I là 949.199 lượt, tăng 63,5% so với quý I/2016.
Các thị trường gửi khách lớn tiếp theo gồm: Hàn Quốc (đạt 527.464 lượt, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2016), Nhật Bản (đạt 201.590 lượt, tăng 4,8%). Các thị trường Tây Âu được miễn thị thực tiếp tục tăng trưởng tốt: Pháp (đạt 74.876 lượt, tăng 10,8%); Anh (đạt 75.016 lượt, tăng 9,2%); Đức (đạt 61.923 lượt, tăng 13,2.
Trong khối ASEAN, các thị trường cũng rất sôi động, dẫn đầu là Malaysia đạt 113.099 lượt, tăng 19,9%; Thái Lan đạt 78.591 lượt, tăng 17,7%; Singapore đạt 62.945 lượt, tăng 6%; Campuchia đạt 56.187 lượt, tăng 34,9%; Lào đạt 35.641 lượt, tăng 33%.
Để đạt được con số ấn tượng này phải kể đến công lớn của các nhà đầu tư chiến lược với các dự án quy mô lớn như Vingroup, Sungroup, FLC, Mường Thanh, Tuần Châu, Bitexco… tạo ra năng lực cạnh tranh đáng kể cho du lịch Việt Nam. Đồng thời là tính đột phá từ chính sách miễn thị thực cho khách Tây Âu từ 1/7/2016 và sự vào cuộc của các địa phương, nhất là các địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc…phản ánh năng lực cạnh tranh về du lịch đã có bước cải thiện.
Cùng với đó là tiềm năng và kỳ vọng tăng trưởng du lịch khi công chiếu những thước phim đẹp nhất về du lịch Việt Kong: Skull Island và việc đạo diễn phim bom tấn Jordan Vogt-Roberts làm Đại sứ Du lịch Việt Nam trong 3 năm được Hội đồng xét duyệt của Bộ VH - TT – DL nhận định là có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam.
Mối lo từ "tour 0 đồng"
Với dân số là 1,4 tỷ người, nhu cầu du lịch ra nước ngoài đang tăng lên rất nhanh, dự kiến là 190 triệu lượt năm 2017. Không quốc gia nào quan tâm phát triển du lịch mà không quan tâm đến thị trường khách Trung Quốc.
Tuy nhiên, một thực tế, ở các điểm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, từ năm ngoái đến năm nay tồn tại vấn đề là du khách Trung Quốc vào nhiều nhưng các hãng lữ hành kinh doanh dịch vụ trong nước không hề có lãi.
Trong quý I/2017, tổng lượng khách châu Á chiếm hơn 72% tổng lượt du khách đến Việt Nam, trong đó du khách Trung Quốc đã chiếm hơn 41% lượt du khách châu Á. Đây cũng là thị trường tăng mạnh nhất trong các thị trường khách quốc tế sang Việt Nam, với tăng trưởng hơn 63,5% về lượng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, khách du lịch Trung Quốc tự tổ chức đến Việt Nam có mức chi tiêu bình quân trên 711,38 USD/lượt khách (khoảng 90 USD/ngày khách) chỉ bằng 63% so với chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại Việt Nam, thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ cao hơn khách Lào, Malaysia.
Lấy ví dụ về du lịch Đà Nẵng trong những năm gần đây phát triển khá nhanh nhưng tạp chí Forbes từng nhận định một trong lỗ hổng chính là lượng lớn du khách đến từ Trung Quốc. Theo ông Huỳnh Tấn Vinh giám đốc công ty cổ phần khu du lịch Bắc Mỹ An, đơn vị sở hữu Furama Resort đồng thời là chủ tịch hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, khách Trung Quốc đến đây có thể chia làm 2 loại: Một là những khách chi tiêu rất cao và hai là những khách chi tiêu thấp thường đi theo các tour du lịch miễn phí đang làm đau đầu không chỉ chính quyền địa phương mà các công ty trong ngành liên quan.
Thực chất loại tour này, là do một số công ty Trung Quốc mở, không phí. Họ dẫn khách sang Việt Nam, thuê hướng dẫn viên người Việt để đối phó về mặt pháp lý gọi là sitting guide, hướng dẫn viên chỉ ngồi trên xe còn hướng dẫn viên chính là người Trung Quốc. Nguồn thu chính của tour 0 đồng này từ các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm do người Trung Quốc sở hữu nhưng đứng tên người Việt. "Thay vì giá một đồng thì bán giá năm đồng," ông Vinh cho biết.
Theo ông, cách làm này đang phá hủy môi trường du lịch của Đà Nẵng vì khách du lịch sẽ cảm thấy bị "lừa dối", có thể tạo hình ảnh xấu về du lịch Đà Nẵng. Ngoài ra, có thể dẫn đến việc "thất thu thuế của nhà nước do họ mua bán bằng tiền mặt của quốc gia họ," ông Lê Tấn Thanh Tùng, phó tổng giám đốc công ty lữ hành Du lịch Việt Nam Vitours nhận định.
Hiện Thái Lan cũng đã thực hiện chính sách hạn chế du khách Trung Quốc đi du lịch "tour 0 đồng" vào nước này bởi lợi nhuận phần lớn rơi vào các DN lữ hành Trung Quốc. Một ước tính cho thấy ngân sách nước này thiệt hại 9 tỷ USD mỗi năm vì loại "tour 0 đồng".
Thái Hà
Theo Trí Thức Trẻ