Khách sạn Konklor là một sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và nét truyền thống, độc đáo, đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên. Những vật dụng, trang trí nội thất được làm từ những vật liệu của núi rừng như vải dệt thổ cẩm, tranh, tre, lồ ô, mây, bời lời… do bàn tay khéo léo của người dân bản địa làm nên
Hòa quyện trong khung cảnh xanh tươi của đa dạng các loại cây cảnh, hoa lá, hồ bán nguyệt có guồng quay nước độc đáo sẽ mang đến cho bạn những ấn tượng khó phai. Dù chỉ là khách sạn chuẩn 1 sao, nhưng Konklor vẫn cung cấp đầy đủ các tiện nghi hiện đại như máy nước nóng, máy lạnh, tủ lạnh, giường lớn, ti vi, internet…
Điều đặc biệt ở khách sạn Konklor chính là dù bạn đi với số lượng bao nhiêu người cũng sẽ được lưu trú ở các phòng ngủ riêng biệt như một ngôi nhà riêng rộng lớn, thoáng mát, không sợ bị làm phiền. Ở khách sạn còn có dịch vụ ăn ba bữa, một khu vườn để bạn thoải mái trò chuyện, giao lưu với bạn bè. Khu vực để xe cũng rất rộng rãi, phân chia xe máy và xe ô tô riêng biệt.
Thuộc địa phận làng Konklor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, chỉ mất 5 phút đi bộ từ khách sạn Konklor, bạn có thể đến thăm Nhà rông Konklor – một biểu tượng văn hóa cộng đồng của dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và cả chiếc cầu treo Konklor nổi tiếng, nối liền hai bờ của dòng sông Đắk Bla huyền thoại.
Bạn có thể đi bộ đến thăm làng dân tộc bản địa ở hữu ngạn dòng sông, uống với họ ché rượu cần rồi lên đường vượt dòng sông qua cầu treo để đến với một vùng đất phù sa trù phú – làng văn hóa du lịch Konkơtu, một làng Bana còn giữ nguyên được những nét sinh hoạt và cảnh vật thiên nhiên hoang dã.
Khoảng từ tháng 11 đến 12, con đường này được phủ đầy sắc vàng của dã quỳ, nhưng bước sang tháng 1, nơi này lại khoác lên mình chiếc áo màu hồng phớt của đỗ mai. Dọc hai bên bờ Đắk Bla, những hàng đỗ mai trổ hoa khắp nơi sẽ khiến bạn ngất ngây.
Ngoài ra bạn sẽ được tái hiện lại một không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên ngay tại khuôn viên của khách sạn với mô hình điêu khắc, hội họa và trang trí như nhà rông, khung cảnh sinh hoạt đặc trưng của người dân tộc bản xứ như lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, múa xoong, cõng con, giã gạo… với vật liệu chính là gỗ sao ngâm nước có từ lâu đời được chính các nghệ nhân người đồng bào tạo nên.