Ở khu vực châu Á, khách từ Trung Quốc tăng mạnh nhất với 403.663 lượt người, tăng tới 85% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm số lượng lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2017 ước đạt gần 1,2 triệu lượt người, tăng xấp xỉ 20% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khách từ châu Á uớc đạt 883.662 lượt người, chiếm gần 74% tổng lượng khách đến Việt Nam và tăng tới 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ở khu vực châu Á, khách từ Trung Quốc tăng mạnh nhất với 403.663 lượt người, tăng tới 85% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm số lượng lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy, số khách đến từ Trung Quốc liên tục tăng. Đây là nhóm du khách tới Việt Nam đông đảo nhất.
Trong khi đó, khách đến Việt Nam từ châu Âu trong tháng 2 ước đạt 194.529 lượt người, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách từ châu Mỹ đạt 88.371 lượt người, tăng 8,3% so với năm ngoái, trong đó khách đến từ Mỹ đạt 63519 lượt người, tăng nhẹ ở mức hơn 5% so với cùng kỳ năm 2016.
Khách từ châu Úc đạt 30.417 lượt người, tăng 6,5% với cùng kỳ năm trước nhưng lại giảm tới hơn 40% nếu so với tháng 1 trước đó. Trong khi đó, khách đến từ châu Phi đạt 2442 lượt người, tăng 59% so với năm 2016.
Nếu tính chung cả 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã thu hút tới hơn 2,2 triệu lượt khách quốc tế. Con số này khá ấn tượng bởi trước đó, cả năm 2016, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 10,01 triệu lượt người.
Trong năm 2017, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 11,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 66 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 460.000 tỷ đồng. Du lịch Việt Nam cũng hướng đến mục tiêu đến năm 2020 đón 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP; tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD.
Để hiện thực hóa những mục tiêu nêu trên, trong năm 2017, ngành du lịch tập trung hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), trình Quốc hội ban hành. Bên cạnh đó, ngành triển khai, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch.
N.Mạnh / BizLIVE