Tối qua (13/4), Lễ khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2016 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội.
Lễ khai mạc hội chợ |
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Hội chợ cho biết, VITM Hà Nội 2016 có trên 700 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, dịch vụ du lịch, trung tâm xúc tiến du lịch từ 25 quốc gia và 42 tỉnh, thành phố của Việt Nam tham gia với 502 gian hàng.
Điểm nhấn của hội chợ này là “Tây Bắc- Điểm đến của Du lịch Việt Nam 2016” với “Ngôi nhà Du lịch Tây Bắc” được xây dựng trên diện tích 500m2 sẽ cung cấp các chương trình du lịch về Tây Bắc, giới thiệu các làn điệu dân ca, dân vũ của hơn 30 dân tộc anh em, góp phần tăng nhanh lượng khách du lịch đến vùng đất nhiều tài nguyên du lịch này.
VITM Hà Nội 2016 không chỉ là ngày hội lớn của du lịch mà còn là diễn đàn chuyên môn lớn nhất hàng năm của ngành du lịch. Đến với hội chợ, các doanh nghiệp có thể giới thiệu và bán sản phẩm du lịch trực tiếp đến du khách, bên cạnh đó là nhiều hoạt động đặc biệt về du lịch như hội nghị, hội thảo, họp báo về chuyên môn, nghiệp vụ và xúc tiến du lịch.
So với các Hội chợ Du lịch quốc tế của các nước trong khu vực, Hội chợ VITM của Việt Nam hoàn toàn không thua kém, thậm chí còn trội hơn về số lượng gian hàng, doanh nghiệp tham gia, người đến tham quan mua bán và số lượng sản phẩm du lịch chào bán trực tiếp.
Hội chợ thu hút một lượng lớn doanh nghiệp lữ hành tham gia kích cầu du lịch. Ảnh minh họa |
Phát biểu tại lễ khai mạc ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đánh giá cao sự cố gắng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch và UBND thành phố Hà Nội trong việc phối hợp tổ chức Hội chợ VITM ngày càng chuyên nghiệp hơn, huy động tốt hơn các nguồn lực xã hội tham gia.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, sau 30 năm đổi mới cùng đất nước, du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu tăng trưởng về quy mô, tính chuyên nghiệp. Năm 2015, Việt Nam đón 7,9 triệu lượt khách quốc tế và 30 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 337 nghìn tỷ đồng và đóng góp 6% GDP, toàn ngành có hơn 2,2 triệu lao động, trong đó 650.000 lao động trực tiếp. Tuy nhiên, với tiềm năng phong phú, hấp dẫn về văn hóa, sinh thái và lòng hiếu khách của mỗi người dân, những kết quả nêu trên cho thấy du lịch Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Thương hiệu và sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế chưa được khẳng định rõ nét. Chúng ta chưa khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên và nhân văn to lớn của đất nước.
Nhấn mạnh thêm, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho rằng, phát huy những kết quả đã đạt được, du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn 5 năm tiếp theo thực hiện chiến lược phát triển với định hướng tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, có chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu và sức cạnh tranh. Phát triển du lịch hướng tới khách du lịch và cộng đồng địa phương, lấy hiệu quả làm động lực, mục tiêu. Để hướng tới mục tiêu đó, chúng ta phải chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ với tiêu chuẩn cao, đầu tư phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh Du lịch Việt Nam “Chất lượng- An toàn- Thân thiện”, liên kết công- tư trong huy động và sử dụng nguồn lực, khai thác tối ưu yếu tố liên ngành, liên vùng và tranh thủ hội nhập quốc tế.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo Bộ VHTT&DL tin tưởng, nhất định du lịch Việt Nam sẽ thực sự chuyển mình phát triển lên tầm cao đẳng cấp chuyên nghiệp, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.
Tại Lễ khai mạc, Ban Tổ chức VITM Hà Nội 2016 cũng đã trao Giải thưởng “Những điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam năm 2015” cho 5 hạng mục bao gồm: Các resort, các khu vui chơi giải trí hấp dẫn nhất, các làng nghề được yêu thích nhất, các bảo tàng và bãi biển được yêu thích nhất. Mỗi hạng mục có 3 điểm đến tiêu biểu nhất được vinh danh.