Sáng 18/9, tại TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tới dự và cắt băng khai trương cảng container quốc tế SP-ITC có tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Xây dựng cảng container quốc tế SP-ITC không chỉ là bước ngoặt của ITC mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của TPHCM. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Cảng container quốc tế SP-ITC có vị trí hết sức thuận lợi, nằm sâu trong nội địa với mặt bến dọc theo sông Đồng Nai và sông Ông Nhiêu, kết nối dễ dàng với đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây và cụm cảng Cái Mép, thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Với tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD, trên diện tích 48 ha, tổng chiều dài cầu cảng chính 1.000 m, công suất thiết kế 2 triệu TEUs, khả năng bãi container 34.000 TEUs. Đến nay, SP-ITC đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động giai đoạn I trên diện tích 20 ha. Mớn nước trước cầu tàu là -12,1 m, có thể tiếp nhận tàu hàng chiều dài 230 m, trọng tải 35.000 DWT.
Đây là cảng tư nhân đầu tiên sử dụng hệ thống thiết bị hiện đại như cẩu chuyên dụng bốc xếp container trên bến của CHLB Đức có sức nâng 40 tấn và tầm với đạt 13 hàng containers, cẩu bánh lốp trên bãi Kalmar với sức nâng 40 tấn. Toàn bộ thiết bị đều được vận hành bằng điện thay vì dầu diesel, thân thiện với môi trường, qua đó giảm tiêu thụ năng lượng lên đến hơn 30%.
Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng chỉ cách đây 5 năm, khu vực cảng container quốc tế SP-ITC là một vùng sình lầy, không có đường giao thông, đến nay TPHCM nói riêng, ngành hàng hải Việt Nam nói chung, đã có thêm một cảng container quốc tế, quy mô tầm cỡ khu vực. Đây sẽ là một cửa ngõ giao thương không chỉ của TPHCM mà còn cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam đất nước.
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Theo Phó Thủ tướng, xây dựng cảng container quốc tế SP-ITC không chỉ là bước ngoặt của ITC mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển của TPHCM là di dời cảng nội đô ra ngoại vi đô thị. Đặc biệt, cảng SP-ITC sẽ góp phần chia lửa với cảng Cát Lái hiện đang bị quá tải trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Để hoạt động sản xuất của cảng container quốc tế SP-ITC được thuận lợi trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo TPHCM và các đơn vị liên quan kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện để ITC có thể khai thác có hiệu quả trang thiết bị được đầu tư hiện đại, đem đến dịch vụ vận tải, giao nhận chất lượng cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, qua đó góp phần tích cực vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển kinh tế chung của cả nước.
Công ty CP Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC) được thành lập năm 2001, hoạt động trong các lĩnh vực như khai thác và quản lý vận tải tàu biển, đại lý và môi giới hàng hải, vận tải hàng hóa đường bộ, đường thủy. Sau 15 năm phát triển, đến hiện nay, ITC đang sở hữu và khai thác đội tàu hàng rời có dung tích lớn nhất Việt Nam với tổng số 9 tàu trọng tải lớn. ITC còn phát triển đội xe vận tải giao nhận hàng hóa đường bộ với hơn 150 đầu xe tạo nên một hệ thống dịch vụ trọn gói. Cảng hiện có đầy đủ các dịch vụ hành chính như: Hải quan, thuế và ngân hàng tạo điều kiện dễ dàng và thuận lợi nhất cho khách hàng. Hiện nay, SP-ITC đang tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện dự án giai đoạn 2, mở rộng quy mô và công suất tiếp nhận tàu, tạo điều kiện đón nhận và chung chuyển hàng hóa đến TPHCM và các tỉnh lân cận khi các cảng biển trong nội đô TPHCM di dời. |
Mạnh Hùng / baochinhphu.vn