Hiện nay, để quản lý một giá khám chữa bệnh tại các bệnh viện đang có tới 3 cơ quan cùng vào cuộc. Theo đó, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và UBND cấp tỉnh cùng điều hành một giá khám chữa bệnh tại các bệnh viện.
Cơ quan nào cũng có quyền định giá khám chữa bệnh.
5 luật vẫn khó điều chỉnh giá
Và với quy định hiện hành, giá dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh bởi ít nhất 5 văn bản luật gồm: Luật Khám chữa bệnh, Luật Giá, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Điều đáng nói là ở trong mỗi văn bản đều có quy định về thẩm quyền quản lý, quyết định về giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Tại Khoản 3, Điều 88 Luật Khám chữa bệnh năm 2009 quy định, Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với Bộ trưởng Bộ Y tế quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Trong khi đó, tại NĐ số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá lại quy định: giá dịch vụ khám chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Còn tại Điều 6 Luật Dược quy định, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dược…
Với quy định như trên, cơ quan nào cũng có quyền định giá khám chữa bệnh có “lợi” cho riêng mình. Và điều này, đang vô hình trung tạo ra sự chồng chéo, thiếu công khai, minh bạch trong việc xây dựng thang bảng giá khám chữa bệnh.
Trên thực tế, đã có những chuyện “cười ra nước mắt” khi bệnh nhân và bệnh viện phải “đôi co” với nhau về một mức giá khám nội soi dạ dày tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Vì cùng một tuyến bệnh viện nhưng hai mức giá lại chênh lệch nhau tới 100.000 nghìn… và ngay chính lãnh đạo bệnh viện cũng không giải thích được điều này vì họ chỉ là đơn vị thực thi…
“Giá dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh bởi ít nhất 5 văn bản luật „
Thống nhất một “mối”
Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hợp Lực, nhà nước chỉ nên giao cho Bộ Y tế làm đầu mối quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh duy nhất trên phạm vi toàn quốc. Các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp cùng với Bộ Y tế, cơ quan quản lý y tế các cấp thực hiện việc quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao. Ông Đệ đơn cử, hiện nay việc đấu thầu, thẩm định và phê duyệt giá thuốc đã thống nhất về một mối là Bộ Y tế. Khi đó cơ quan tài chính cùng cấp chỉ thuần túy thực hiện chức năng giám sát các thủ tục về quản lý giá chứ không trực tiếp tham gia toàn bộ quy trình quản lý giá thuốc. Nếu giá dịch vụ khám chữa bệnh được áp dụng như trên thì sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, hạn chế, tiêu cực trong việc xác định giá, đấu thầu, phê duyệt giá… đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Ông Phạm Văn Học – Chủ tịch HĐQT, Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ lại cho rằng, trước những bất cập về quản lý giá khám chữa bệnh như hiện nay, cần tiến tới một giai đoạn như các nước trên thế giới đã bảo hiểm toàn dân. Tức là việc thanh toán tiền là giữa cơ quan trả tiền là bảo hiểm xã hội và cơ quan thực hiện nhiệm vụ đó là bệnh viện.
Mai Thanh / DĐDN