Việc đưa con gái đi tái khám định kỳ một căn bệnh hiếm về máu của chị Châu Giang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào đầu tháng 4 diễn ra nhẹ nhàng hơn trước đây, nhờ vào việc tận dụng những tiện ích từ dịch vụ khám từ xa. Điều này giúp giảm bớt nỗi vất vả và càng có ý nghĩa quan trọng đối với gia đình chị trong những ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 này.
Được sự chấp thuận của bác sĩ điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, chị Châu Giang đã sử dụng dịch vụ lấy máu xét nghiệm tại nhà của một bệnh viện tư nhân là Medlatec. Sau khi có kết quả, bệnh viện Medlatec trả kết quả cho chị Châu Giang (gửi đến nhà hoặc gửi qua e-mail) và gửi đến bác sĩ điều trị qua e-mail. Bản thân chị Châu Giang cũng có thể truy cập vào hệ thống của Medlatec để lấy kết quả, dựa trên tài khoản và mật mã được cấp riêng. Bác sĩ điều trị sẽ tư vấn và kê đơn thuốc cho con gái của chị Châu Giang.
Giải pháp kể trên giúp chị Châu Giang và con gái tiết giảm bớt hẳn một ngày cho việc tái khám, thường bắt đầu từ lúc 5h30 sáng và kết thúc lúc 4h30 chiều, cho quy trình đăng ký dịch vụ, lấy số thứ tự, khám bệnh, xét nghiệm, nhận kết quả xét nghiệm, nhận tư vấn về bệnh và nhận đơn thuốc. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng may mắn như chị Châu Giang là được bác sĩ ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chấp thuận cách thức kết hợp trực tiếp và từ xa trong việc khám bệnh.
Nhu cầu khám chữa bệnh từ xa càng trở nên cấp thiết hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19. Ảnh minh họa là công tác phân luồng, khám sàng lọc ban đầu tại Bệnh viện K. Ảnh: TTXVN
Khác với hoàn cảnh của chị Châu Giang, gia đình chị Thanh Hải (quận Đống Đa, Hà Nội) lại có nỗi lo âu là mẹ chị liên tục đòi đi khám bệnh vào những ngày bị đau đầu và huyết áp cao. Tuy nhiên, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, chị Thanh Hải lo ngại tình trạng bị lây nhiễm khi liên tục đưa người mẹ hơn 80 tuổi của mình ra vào bệnh viện quận để khám bệnh. Chị mong muốn các bệnh viện công lập có giải pháp khám chữa bệnh từ xa vào lúc này để gia đình có thêm sự lựa chọn cho việc đi khám bệnh trực tiếp hoặc nhận tư vấn từ xa.
Điều mong muốn của chị Châu Giang và chị Thanh Hải có thể sẽ trở thành hiện thực, khi mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp cùng Bộ Y tế triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa tới các hộ gia đình, thôn bản, xã phường, quận huyện. Chỉ đạo này nhằm hỗ trợ người dân nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16 (về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid- 19), nhưng vẫn được chăm sóc y tế. Bộ Y tế đã lựa chọn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị thí điểm triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa với một số bệnh viện vệ tinh, đảm bảo hộ gia đình, người bệnh được thụ hưởng y tế chất lượng cao, bắt đầu từ ngày 18-4.
Nhu cầu cấp thiết từ cuộc sống
Thực tế ghi nhận thời gian qua đã cho thấy, do lo ngại dịch bệnh nên dù đã đến lịch hẹn khám bệnh hoặc tái khám song nhiều bệnh nhân không dám đi đến bệnh viện. Nhiều bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp, mỡ máu, có những cơn đau ngực nhưng ngại dịch nên không đi khám có thể để lại hậu quả vô cùng nguy hiểm. Do đó khám bệnh từ xa đang được kỳ vọng là một giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng cho buổi khai trương nền tảng khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh: VOV
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong chương trình thí điểm đầu tiên vào ngày 18-4, Trung tâm điều hành tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ kết nối với 4 đầu cầu gồm: điểm cầu BV Đa khoa Mường Khương, tỉnh Lào Cai; điểm cầu BV Đa khoa thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; điểm cầu tại trạm y tế xã và nhà người bệnh tại thôn Câu Đồng, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa và điểm cầu ở nhà người bệnh mạn tính tại Hà Nội.
Qua chương trình này, các bệnh nhân đã đặt hẹn lịch hẹn, nhưng chưa đến khám, sẽ được các bác sĩ thăm khám trực tuyến bằng một số trang thiết bị y tế tự sử dụng hoặc sử dụng ứng dụng app trên điện thoại di động... cung cấp một số thông số cơ bản lên hệ thống kết nối công nghệ thông tin chuyển tải cho nhân viên y tế để các chuyên gia đưa ra lời khuyên và giải pháp điều trị. Với những ca bệnh nặng, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được hội chẩn với các chuyên gia tại Trung tâm điều hành để có hướng điều trị phù hợp.
Khi tiến hành giải pháp khám bệnh từ xa này, các thông tin về dấu hiệu bệnh, hình ảnh chụp X-quang, sóng điện tim... sẽ được tải lên hệ thống. Người bệnh ở các tỉnh không cần đi xa vẫn được các chuyên gia đầu ngành ngồi tại Hà Nội khám. Qua hệ thống tư vấn tổng đài, người bệnh sẽ được hướng dẫn theo dõi các triệu chứng cho một bệnh mạn tính cụ thể. Khi thấy các dấu hiệu nào thì cần đến cơ sở y tế-trạm y tế phường, y tế thành phố. Nếu có ý định đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám, người bệnh sẽ được đặt lịch trước và hẹn giờ để thực hiện giãn cách người bệnh.
Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ người dân khám chữa bệnh từ xa, giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong giai đoạn phòng chống Covid-19; đồng thời thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Căn cứ hiệu quả của mô hình triển khai thí điểm này, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp mở rộng quy mô tại các tỉnh và thành phố khác, giúp người dân trong cả nước, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo khó… có cơ hội được chăm sóc sức khỏe, giúp phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán bệnh chính xác, điều trị kịp thời và phòng ngừa các biến chứng nặng có thể xảy ra ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid- 19.
Khám chữa bệnh từ xa là một giải pháp khám bệnh giúp giảm quá tải ở các bệnh viện lớn lúc ngày thường và giúp cho việc khám chữa bệnh được duy trì thông suốt tại các bệnh viện khi có dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và phải cách ly xã hội.
Kỳ vọng vào sự năng động của các bệnh viện
Quay trở lại với câu chuyện của mẹ con chị Châu Giang, chị cho biết con gái mình mắc một căn bệnh hiếm gặp về máu nên gia đình chọn Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho toàn bộ hoạt động khám bệnh và điều trị. Hằng tháng chị Châu Giang phải đưa con đến viện để tái khám định kỳ và có phác đồ điều trị mới của bác sĩ tùy theo diễn biến của bệnh. Do mệt mỏi với việc phải mất nguyên một ngày cho việc tái khám bệnh cho con, chị Châu Giang mới kiến nghị và được chấp thuận phương án tái khám tại viện nhưng hoạt động xét nghiệm do Medlatec thực hiện.
Việc tư vấn sức khoẻ từ xa có thể dễ dàng tiếp cận một lượng lớn tỷ lệ người bệnh mới có các triệu chứng lâm sàng để có thể đánh giá được cơ bản bước đầu, chẩn đoán và đưa đến những tư vấn sơ bộ cho người bệnh, khuyến cáo về thời điểm bệnh nhân cần đến các trung tâm y tế. Ảnh minh họa: TTXVN
Medlatec là một bệnh viện tư nhân và không chuyên sâu về huyết học, nên bác sĩ chỉ tư vấn những vấn đề cơ bản, không điều trị cho những bệnh đòi hỏi chuyên môn sâu. Đây cũng là thực tế mà nhiều bệnh viện tư đang gặp phải – dịch vụ tốt nhưng chuyên môn lại không được người bệnh đánh giá cao bằng những bệnh viện công lập.
Từ khi biết thông tin Bộ Y tế sẽ thực hiện Chương trình thí điểm khám chữa bệnh từ xa, chị Châu Giang bắt đầu hy vọng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng có thể triển khai cách làm như Medlatec. Khi đó, sẽ giảm thiểu tình trạng quá tải bệnh nhân đến khám ở viện, từ đó giúp giảm bớt nỗi lo lắng về nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Theo phân tích của các chuyên gia công nghệ, với các giải pháp công nghệ đang có như hiện nay, các bệnh viện lớn, bệnh viện chuyên môn công lập hoàn toàn có thể thực hiện dịch vụ đặt lịch hẹn trực tuyến cho phép bệnh nhân đặt lịch khám bệnh qua website của bệnh viện; bác sĩ với bệnh nhân có thể gọi điện thoại hình ảnh qua các nền tảng hội họp trực tuyến; việc thanh toán chi phí khám bệnh cũng được thực hiện qua kênh trực tuyến.
Các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, các bệnh viện công sẽ năng động hơn trong các giải pháp về kinh doanh khi bị sức ép từ chính phủ. Do đó, thời gian tới chính phủ cần đẩy mạnh triển khai tự chủ tại các bệnh viện, điều này vừa để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, vừa để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, vừa tạo sự thuận lợi cho người dân.
Hiện nay thị trường công nghệ có rất nhiều giải pháp khám chữa bệnh từ xa được các doanh nghiệp cung cấp. Điều quan trọng là các bệnh viện, cả công lập lẫn tư nhân, nhận thức về sức ép của việc chuyển đổi, triển khai các giải pháp mới hay không.
Để khám chữa bệnh từ xa, các cơ sở y tế có thể sử dụng các giải pháp hội nghị truyền hình đang được nhiều doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước cung cấp. Bên cạnh đó là các giải pháp phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử tập trung…
Bên cạnh đó, thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện 1 số giải pháp của các doanh nghiệp giúp tư vấn sức khoẻ từ xa trực tuyến như Med247, eDoctor, VOV Bacsi24, Doctor Anywhere …
Với một trong số các giải pháp trên, trên một ứng dụng đã tải về điện thoại, người sử dụng có thể thực hiện cuộc gọi có hình ảnh (video call) với bác sĩ ở bất kỳ đâu để thực hiện tư vấn ban đầu. Nếu có thể chẩn đoán và kê đơn thuốc ngay, thuốc sau đó sẽ được giao tận nhà cho người bệnh ở Hà Nội, TPHCM có thể chậm nhất trong vòng 3 giờ đồng hồ.
Nếu nhận thấy người bệnh phải thực hiện các xét nghiệm, chụp X-quang, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm tại các bệnh viện. Toàn bộ kết quả sau đó được đưa vào hệ thống, làm thành hồ sơ bệnh án điện tử của mỗi người, từ đó sẽ được theo dõi, quản lý về sức khỏe lâu dài.
Các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ cho rằng, việc tư vấn sức khoẻ từ xa có thể dễ dàng tiếp cận một lượng lớn tỷ lệ người bệnh mới có các triệu chứng lâm sàng (thông qua những hình thức trực tuyến như nghe, hỏi, quan sát bệnh nhân) để có thể đánh giá được cơ bản bước đầu, chẩn đoán và đưa đến những tư vấn sơ bộ cho người bệnh, khuyến cáo về thời điểm bệnh nhân cần đến các trung tâm y tế. Từ đó, giúp hạn chế được việc tiếp xúc đông người, giảm tải cho các trung tâm y tế, tăng được hiệu quả phòng dịch hay xa hơn nữa là tăng cường tương tác giữa vùng sâu, vùng xa với bác sĩ tuyến trung ương.