Ngô Trần Hải An (Quỷ Cốc Tử), blogger du lịch, từng chinh phục những hành trình dọc Việt Nam hay qua nhiều quốc gia trên thế giới. Dưới đây là chia sẻ của Hải An về hành trình chinh phục cột mốc A9 trên đường cơ sở xác định lãnh hải Việt Nam. Trước đó anh đã chinh phục mốc A3, A4 và A5 tại Côn Đảo.
"Ngoài đam mê chinh phục tôi thật sự muốn những hình ảnh câu chuyện của mình sẽ góp phần nào lan tỏa đến mọi người sự tự hào về quê hương, đất nước, tự hào về biên cương lãnh thổ, biên giới hải đảo của Việt Nam chúng ta", blogger Hải An chia sẻ.
Bình Định vốn được biết đến với những cái tên như Ghềnh Ráng, Kỳ Co, Eo Gió… nhưng ít người nghe đến hòn Ông Căn. Ngoài vẻ đẹp hoang sơ, đây còn là nơi có cột mốc tọa độ A9 - điểm cơ sở trên đường định vị lãnh hải của Việt Nam.
Qua giới thiệu của một người bạn thân, tôi tìm đến anh Tính, người sống tại Nhơn Lý và làm nghề du lịch để bày tỏ ước muốn đến hòn Ông Căn của mình. Biết mong mỏi của tôi, anh Tính băn khoăn vì mùa này thời tiết thất thường, gió mạnh, xung quanh hòn Ông Căn rất nhiều đá ngầm nên tàu ghe cano khó có thể cập bờ.
Cuối cùng, tôi cùng những người bạn mới quen ở Bình Định cũng quyết định lên đường. Chúng tôi xem xét thời tiết và tính toán kỹ rồi quyết định xuất phát lúc 13h. Trong đoàn có nhiều người dân địa phương chưa từng đặt chân đến đây, ai cũng háo hức.
Đúng 13h cano rời bến, trời xanh biếc, nhưng gió mạnh, cano lao trên mặt biển và xé những con sóng tạt cao đến 2 - 3 m. Từ mũi Eo Gió, chúng tôi bắt đầu vượt qua Hòn Cỏ. Càng ra xa gió càng mạnh, một con sóng lớn cuốn đến đẩy cano lên cao và rơi tự do xuống biển, ai cũng giật mình và cẩn thận hơn.
Chừng 15 phút sau, hòn Ông Căn xuất hiện ở phía trước, đập vào mắt tôi là 3 hòn đảo nối tiếp, cách nhau khoảng hơn 200 m, cột mốc được cắm trên hòn đảo xa nhất.
Khi canon tiến lại gần, mọi người đều sững sờ. Giữa biển khơi mênh mông bao la sừng sững một khối đá khổng lồ cao hơn 20 m, khối đá nứt đôi tạo nên khe sâu thẳm với những con sóng đập ầm ào liên hồi.
Gió càng lúc càng mạnh, cano rất khó cập đảo, anh Tư cho thuyền vòng quanh đảo nhiều lần vẫn chưa tìm vị trí an toàn vào bờ. Nếu không, chỉ còn phương án chúng tôi mặc áo phao và bơi vào đảo - khá nguy hiểm do sóng có thể cuốn người đập vào đá nhọn xung quanh, chi chít vỏ hàu rất sắc bén.
Bằng kinh nghiệm dạn dày, anh Tư tìm được khu vực sóng khá nhẹ. Nhưng chúng tôi vẫn phải nhảy qua ghềnh đá, không khí lúc này khá căng thẳng. Khi cano tiến gần sát bờ đá, anh Tư cho nổ máy giật lại tránh sóng đập vào bờ, một người nhảy lên bờ tìm điểm neo kéo. Cứ mỗi một đợt sóng đến, cano được đẩy vào bờ, chúng tôi theo từng đợt sóng đó cũng lần lượt nhảy lên hòn Ông Căn.
Đi hết 20 bậc thang, tôi đến được cột mốc A9. Theo các tài liệu lưu trữ, hòn Ông Căn được hình thành do núi lửa phun trào từ triệu năm trước, dòng dung nham gặp phải nước biển nên đột ngột đông cứng.
Hòn nằm ở tọa độ 13°53’57″ Bắc 109°21’08″ Đông, cách bờ khoảng 7 km theo hướng đông, cách điểm A8 khoảng 140 km về phía nam, cách điểm A10 khoảng 170 km về phía bắc. Hòn thuộc cụm đảo Nghiêm Kinh Chiểu xã đảo Nhơn Lý, có chiều dài khoảng 200 m, chỗ rộng nhất khoảng 95 m.
Trên hòn đặt cột mốc A9. Cách cột mốc không xa là điểm tọa độ quốc gia do Bộ Tài nguyên Môi trường, Cục Đo đạc & Bản đồ dựng tháng 6/2017 mang số hiệu DH09. Hòn Ông Căn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chiều rộng lãnh hải Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Sau 30 phút chụp hình kỷ niệm, chúng tôi nhanh chóng trở về cano do gió đã mạnh hơn, sóng càng cao sẽ càng khó khăn để chúng tôi rời đi.
Tôi tự hào khi chinh phục điểm thứ 10/11 trên đường cơ sở định vị lãnh hải của Việt Nam, và hy vọng sẽ chinh phục được nơi cuối cùng là điểm A11 trên đảo Cồn Cỏ.
Cano chạy một vòng quanh cả ba hòn đảo và một lần nữa tôi có cơ hội ngắm nhìn trọn vẹn khu vực này, trên đảo lớn nhất là một lòng chảo mơn mởn cỏ xanh. Thời gian không còn nhiều, chúng tôi vội vàng trở lại bờ, tránh những cơn giông sắp đến.
Tọa độ 11 điểm chuẩn đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam. Đồ họa: Ngô Trần Hải An