Ngày 6/3, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa cho biết đã có văn bản gửi UBND huyện Diên Khánh, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa về việc dừng tổ chức Lễ hội Am Chúa và Lễ hội Tháp Bà Ponagar.
Việc dừng tổ chức hai lễ hội này nhằm tăng cường công tác phòng, chống Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 20 – 23/3 âm lịch hằng năm, tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang). Đây là sự kiện văn hóa tâm linh có quy mô lớn ở khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên, nhằm tưởng nhớ công ơn của Thiên Y Ana Thánh Mẫu - người mẹ xứ sở đã dạy cho người dân biết cách trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải. Năm 2019, lễ hội thu hút khoảng 100 đoàn khách đến từ Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Ninh Thuận... với hơn 100.000 lượt khách hành hương.
Đây là những sự kiện văn hóa tâm linh có quy mô lớn ở khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên
Trong khi đó, Lễ hội Am Chúa diễn ra từ ngày 1 – 3/3 âm lịch, tại Khu di tích Am Chúa (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh). Hằng năm, lễ hội thu hút khoảng 10.000 lượt người từ nhiều nơi về dự, để tỏ lòng biết ơn đến Đức Thánh Mẫu Thiên Y A Na và cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày.
Công văn của Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa nêu rõ, đề nghị các đơn vị liên quan không tổ chức các hoạt động thả hoa đăng, múa dân gian, nấu đồ cúng, ở lại đêm tại di tích như những năm trước. Đồng thời, xây dựng phương án bố trí, sắp xếp việc dâng hương hợp lý nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người. Chỉ đạo, phối hợp triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế và UBND tỉnh tại khu vực di tích.
Chỉ tổ chức cho người dân và du khách tham quan, dâng hương theo nhu cầu tín ngưỡng. Xây dựng phương án bố trí, sắp xếp việc dâng hương hợp lý nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người.
Hằng năm, những sự kiện văn hóa tâm linh này được người dân địa phương xem là lễ hội truyền thống của người dân Khánh Hòa và các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên. Hai lễ hội này gắn liền với tục thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu với nhiều nghi thức, hoạt động lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của hai dân tộc Kinh và Chăm.