Dưới sức ép của nhà đầu tư, việc thay đổi kế hoạch kinh doanh năm của các doanh nghiệp lớn thường ít khi xảy ra. Tuy nhiên năm nay, việc chống chọi với dịch Covid-19 có thể là lý do để các “ông lớn” trên sản xây dựng lại kế hoạch kinh doanh hoàn toàn mới.
Ông lớn bán lẻ TGDĐ lần đầu tiên điều chỉnh kế hoạch kinh doanh sau 8 năm. Ảnh minh họa: MWG
Ảnh hưởng từ giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải lùi thời gian tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ), nhưng cũng là điều kiện để doanh nghiệp cân nhắc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp. Các doanh nghiệp lớn đã không còn đưa ra những kế hoạch tăng trưởng tịnh tiến như đã từng thực hiện trước đây. Thay vào đó, họ đang cố gắng điều chỉnh cơ cấu sao cho tương thích với những các kịch bản thị trường được đặt ra.
Khi “báo gấm” phải giảm tốc
Câu chuyện tăng trưởng tốc độ cao của Công ty cổ phần Thế Giới Di Động trước đây luôn đem đem đến sự kinh ngạc cho giới đầu tư. Với hệ sinh thái bản lẻ đa dạng của mình, thông thường kế hoạch doanh thu của TGDĐ tăng trưởng trên hai con số (20-40%) trong những năm gần đây.
Thậm chí trong năm 2017 kế hoạch doanh thu của đại gia bán lẻ này tăng 85% và lợi nhuận gần 60%. Việc đặt mục tiêu này đã từng gây ra nhiều hoài nghi tại thời điểm đó, nhưng khi năm 2017 kết thúc, lãnh đạo doanh nghiệp này đã chứng tỏ không hề viển vông khi xây dựng chỉ tiêu.
Trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây, ông Nguyên Đức Tài, Chủ tịch HĐQT TGDĐ cho biết doanh nghiệp của ông như một con báo gấm, có thể tăng tốc rất nhanh và thích nghi được nhiều môi trường. Đó là cơ sở để doanh nghiệp này luôn đặt ra những kế hoạch kinh doanh “khủng” qua mỗi năm.
Tuy nhiên sau nhiều năm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đến nay “báo gấm” này đã phải điều chỉnh tốc độ với kế hoạch kinh doanh giảm xuống vì Covid-19. Mới đây, TGDĐ vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 để trình tại ĐHCĐ ngày 6-6 tới, thay thế nội dung tại Nghị quyết HĐQT đã thông qua cuối tháng 12-2019.
Theo đó, TGDĐ đặt mục tiêu doanh thu thuần 110.000 tỉ đồng, giảm hơn 10% và lợi nhuận sau thuế khoảng 3.450 tỉ đồng, giảm 28,6% so với kế hoạch ban đầu. Như vậy, từ mục tiêu tăng trưởng về lợi nhuận gần 20% trong năm 2020, nay chuyển sang giảm 10% so với năm 2019 (năm ngoái, TGDĐ lãi 3.571 tỉ đồng).
Lãnh đạo TGDĐ cho biết đợt bùng phát dịch bệnh rơi đúng vào giai đoạn cao điểm của hoạt động bán lẻ điện thoại, điện máy và hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh không còn nhiều cơ hội cải thiện doanh thu trong nửa cuối năm do các sự kiện thể thao quan trọng đã phải dời sang năm 2021. Trong khi đó hoạt động bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng và chưa mang lại lợi nhuận.
"Trong vài tuần giãn cách xã hội và thực hiện các chương trình kích cầu, doanh thu của chúng tôi có tăng, đôi khi tôi còn cảm thấy lạc quan. Nhưng sức mua của người tiêu dùng sụt giảm chỉ là vấn đề thời gian. Trên tinh thần đó, công ty sẽ điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ nỗ lực để bảo vệ mục tiêu doanh thu với cổ đông và cũng nỗ lực bảo vệ lợi nhuận tối thiểu 80% so với năm trước”, ông Tài chia sẻ.
Không chỉ bán lẻ, Covid-19 đã phát tán “virus lo lắng” đến hầu khắp các lĩnh vực từ ngân hàng, sản xuất đến xây dựng. Cụ thể, ở lĩnh vực xây dựng Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) có phần gây “sốc” với cổ đông khi công bố điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu kinh doanh: doanh thu 14.000 tỉ đồng, giảm 31% và lợi nhuận sau thuế 200 tỉ đồng, giảm hơn 70% so với kế hoạch ban đầu.
Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC, công ty đã lường trước những kịch bản thị trường và đưa ra các đối sách nhằm vượt qua khủng hoảng. Hiện tại, HBC đang tập trung triển khai các hoạt động để phần nào bù đắp những thiệt hại trong giai đoạn vừa qua.
Ngân hàng tưởng chừng như là lĩnh vực ít bị tác động nhất bởi dịch bệnh nhưng vẫn xuất hiện một vài đơn vị tỏ ra thận trọng với các kế hoạch. Eximbank là ngân hàng đầu tiên “giảm tốc” kế hoạch kinh doanh.
So với kế hoạch từ đầu năm, nhà băng này đặt mục tiêu giảm hơn 40% lãi trước thuế năm nay. Tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến giảm 7,4% so với kế hoạch ban đầu. Trong đó, dư nợ tín dụng giảm gần 4%, còn mục tiêu huy động vốn cũng được điều chỉnh thấp hơn 8,2%.
Việc lùi thời gian đại hội cổ đông vì dịch bệnh giúp các doanh nghiệp có điều kiện nhìn nhận kỹ hơn những tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Ép mình vào các kịch bản tiêu cực
Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp đang được tính toán dựa trên các kịch bản thị trường được họ xây dựng trong trong tình hình bệnh hiện nay. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp đặt mình vào từng kịch bán để cân, đo, đong, đếm kế hoạch trước khi đại hội cổ đông được hoãn lại.
Cụ thể, Công ty cổ phần Điện Quang (DQC) là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất đã “nhập vai” vào kịch bản mình đặt ra để điều chỉnh kế hoạch. Lãnh đạo DQC cho biết, ở kịch bản trung bình, doanh thu năm nay dự báo giảm 26%, lợi nhuận dự kiến đạt gần 2 tỉ đồng, giảm 95% so với thực hiện năm 2019. Ở kịch bản xấu, doanh thu của công ty có thể giảm 35% và lợi nhuận trước thuế âm gần 10 tỉ đồng.
Nguồn: Tổng hợp Nghị quyết HĐQT các doanh nghiệp
Đưa ra kế hoạch từ cuối 2019, Công ty Vicostone (VCS) vừa phải thay đổi do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tác động tới nền kinh tế. Hội đồng quản trị VCS thống nhất trình cổ đông kế hoạch năm nay theo hai kịch bản.
Trong trường hợp tích cực, VCS giữ các chỉ tiêu như kế hoạch công bố trước đó, với doanh thu và lợi nhuận tăng gần 20% so với năm trước. Ở kịch bản thận trọng hơn, Vicostone ước tính doanh thu năm nay chỉ tăng 1,2%, với lãi trước thuế tăng gần 1%.
Trong khi đó, với Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) dù chưa chính thức điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhưng doanh nghiệp này cũng đã sẵn sàng cho những kịch bản xấu nhất.
Thực tế trong 4 tháng đầu năm nay PNJ đạt doanh thu thuần 5.502 tỉ đồng và lãi sau thuế 320 tỉ đồng, giảm lần lượt 4% và 34% so với cùng kỳ 2019. Biên lãi gộp 4 tháng đạt 19,8%, đi xuống rõ rệt so với mức 22,4% của năm 2019.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cho rằng, không một ai có thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng này, nên doanh nghiệp cần phải bình tĩnh xem lại mình ở đâu, trong trạng thái nào để chuẩn bị khắc phục. Nếu kịch bản sụt giảm 30% doanh số doanh nghiệp sẽ phải ứng phó thế nào? Thậm chí còn phải tính đến kịch bản tồi tệ hơn thế nữa để khỏi bị sốc khi đối diện với thực tế.
“Kịch bản giảm doanh thu xấu nhất đã được doanh nghiệp dự tính thì cần xem xét dòng tiền để duy trì hoạt động bao lâu? Nếu doanh nghiệp đã có quá trình tích lũy thì đây giai đoạn quy mô hoạt động phải được cân đong, đo đếm thật kỹ. Đồng thời cũng là giai đoạn định hình rõ nét về hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), những sản phẩm sau cải tiến đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ là cơ sở để rút ngắn quá trình phục hồi”, bà Dung chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp đưa ra kết quả kinh doanh quí 1 năm nay vẫn ghi nhận mức tăng trưởng, có thể đây là dư địa tăng trưởng được chuyển tiếp từ trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, quí 2 mới thực sự là đỉnh điểm của khủng hoảng, bởi một tháng đầu tiên (tháng 4) gần như tê liệt vì cách ly xã hội.
Trong báo cáo mới nhất công ty chứng khoán cho rằng, việc nhiều doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cũng như kết quả kinh doanh quí 2 không như kỳ vọng là điều sớm được thị trường dự báo. Đây là những yếu tố khiến cổ phiếu trên thị trường có thể rơi vào trạng thái phân hóa mạnh.